Tên lửa R-33 có tầm bắn khoảng 140 km và mang được đầu đạn hạt nhân, cho phép hạ lượng lớn máy bay đối phương chỉ bằng một quả đạn.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) ngày 20/5 trình lên Tiểu ban Tình báo và Hoạt động Đặc biệt của Hạ viện tài liệu mang tên “Đánh giá mối đe dọa toàn cầu năm 2025”, nhận định quân đội Nga đang liên tục mở rộng lực lượng hạt nhân bằng cách bổ sung nhiều khí tài mới, trong đó có tên lửa không đối không mang đầu đạn nguyên tử và các hệ thống tiên tiến khác.
DIA không nêu chi tiết về tên lửa đối không hạt nhân của Nga, song giới chuyên gia phương Tây cho rằng đây có thể là mẫu vũ khí mới dựa trên dòng tên lửa đối không tầm xa R-33S và R-37M.
Dự án tên lửa không đối không R-33 được Cục thiết kế Vympel triển khai từ cuối thập niên 1960, khi Liên Xô bắt đầu phát triển biến thể hiện đại hóa mang tên mã “E-155MP” cho tiêm kích đánh chặn MiG-25.

Quân nhân Nga lắp tên lửa được cho là R-33S lên tiêm kích MiG-31 trong diễn tập tháng 8/2024. Ảnh: BQP Nga
Các nguyên mẫu R-33 đầu tiên được sản xuất vào năm 1968, tên lửa được thử nghiệm từ đầu những năm 1970. Thiết kế R-33 thay đổi đáng kể vào năm 1972, trong đó quả đạn được thả xuống rồi kích hoạt động cơ để lao đi, thay vì phóng trực tiếp từ giá treo.
Đầu dò và đầu đạn cũng tăng kích thước, cánh nâng được thu nhỏ. Cụm giá phóng cũng được điều chỉnh, cho phép giấu một phần tên lửa trong thân máy bay mang phóng để giảm sức cản.
R-33 ban đầu được thiết kế cho dự án MiG-25 hiện đại hóa, nhưng sau này trở thành vũ khí chủ lực của tiêm kích hạng nặng MiG-31. Các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước bắt đầu từ tháng 3/1979 và kết thúc sau khoảng một năm. Không quân Liên Xô biên chế tên lửa R-33 từ tháng 5/1981.
Tên lửa R-33 hoàn chỉnh dài 4,1 m và nặng 490 kg, mang đầu đạn nổ văng mảnh nặng 47-55 kg. Quả đạn dùng động cơ nhiên liệu rắn, có thể tầm bắn 120-300 km tùy phiên bản, đánh chặn được nhiều loại mục tiêu với tốc độ bay tối đa khoảng 3.000 km/h.
Mỗi tiêm kích MiG-31 có thể mang tối đa 4 quả R-33 để làm nhiệm vụ đối phó trinh sát cơ siêu thanh SR-71, oanh tạc cơ chiến lược B-52 và B-1B Lancer của Mỹ.
Theo chuyên trang quân sự TopWar của Nga, R-33 là mẫu tên lửa duy nhất của Liên Xô được phát triển phiên bản mang đầu đạn hạt nhân và đưa vào biên chế. Mẫu tên lửa này được gọi là R-33S, trong đó hậu tố “S” có nghĩa là “đặc biệt”, ám chỉ đầu đạn hạt nhân.
“Nó có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 150-160 km. Thông số cụ thể của đầu đạn hạt nhân không được tiết lộ, nhưng nó được cho là đủ sức phá hủy và làm hư hại phi đội máy bay đối phương trong bán kính hàng trăm mét”, cây bút Ryabov Kirill của TopWar cho hay.
Nga dường như xuất xưởng quả đạn R-33S cuối cùng vào năm 1995, loại tên lửa này cũng hiếm khi xuất hiện trong các hoạt động diễn tập. Trong khuôn khổ diễn tập lực lượng hạt nhân chiến thuật hồi giữa năm 2024, quân đội Nga đã công bố hình ảnh các quân nhân lắp tên lửa được cho là R-33S lên tiêm kích MiG-31.

Tiêm kích MiG-31 mang 4 tên lửa R-33. Ảnh: Russian Planes
Liên Xô và Mỹ đều triển khai nhiều tổ hợp tên lửa phòng không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhằm đối phó kịch bản đối phương triển khai lượng lớn oanh tạc cơ chiến lược khi nổ ra xung đột toàn diện. Tuy nhiên, dường như chỉ có Liên Xô theo đuổi dự án trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đối không trên tiêm kích.
Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, loại vũ khí này gần như không còn cơ hội chiến đấu, do phương thức tác chiến đã thay đổi đáng kể. Các cường quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc tên lửa hành trình để uy hiếp đối phương, thay vì phải huy động lượng lớn oanh tạc cơ ném bom.
Loại đạn này cũng có giá cao, tốn chi phí bảo vệ, cất trữ và bảo trì đầu đạn, trong khi sử dụng tên lửa hạt nhân cũng có nguy cơ đẩy xung đột thành chiến tranh hủy diệt.
Dù vậy, tên lửa đối không hạt nhân vẫn mang lại lợi thế nhất định khi nổ ra xung đột giữa các cường quốc, như đối phó chiến đấu cơ tàng hình vốn khó bị khóa mục tiêu, cũng như bầy máy bay không người lái (UAV) hoặc lượng lớn tên lửa hành trình.
Thomas Newdick, biên tập viên của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone, nhận định vũ khí mới trong báo cáo của DIA cũng có thể là biến thể mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa R-37M.
Tên lửa đối không tầm xa R-37M, còn có tên gọi khác là RVV-BD, được Viện thiết kế Vympel phát triển và được đưa vào biên chế không quân Nga từ năm 2014. Mỗi quả đạn dài hơn 4 m, đường kính thân gần 0,4 m, nặng 510 kg. Tên lửa RVV-BD được cho là đạt tầm bắn tới 300 km và từng hạ mục tiêu ở khoảng cách 304 km trong thử nghiệm.
Không quân Nga trước đây chỉ lắp tên lửa R-37M cho tiêm kích hạng nặng MiG-31BM và Su-35S làm nhiệm vụ tuần phòng trong chiến dịch tại Ukraine. Loại vũ khí này bắt đầu xuất hiện trên dòng Su-30SM từ hồi giữa năm 2024.

Tên lửa R-37M lắp trên tiêm kích MiG-31BM. Ảnh: BQP Nga
Bộ Quốc phòng Nga từng nhiều lần công bố video tiêm kích đánh chặn máy bay Ukraine bằng tên lửa R-37M, tuyên bố những chiếc Su-30SM và Su-35S từng bắn hạ chiến đấu cơ đối phương từ khoảng cách 130-200 km nhờ loại vũ khí này.
Nga chưa từng đề cập phiên bản hạt nhân của tên lửa R-37M. Tuy nhiên, nó được phát triển từ dòng R-33 và các chuyên gia không loại trừ khả năng R-37M cũng được trang bị đầu đạn hạt nhân tương tự để tiêu diệt đội hình phi cơ hoặc tên lửa có quy mô lớn.
“Dựa trên báo cáo của DIA, có thể kết luận rằng Nga hiện là quốc gia duy nhất biên chế tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân. Sự xuất hiện của loại vũ khí này sẽ đặt thêm thách thức cho các đối thủ của Nga, cũng như giúp nước này sở hữu năng lực mà không loại tên lửa hiện có nào sánh kịp”, Newdick nêu quan điểm.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, Top War, AP)