Bịt lỗ thủng lãng phí

Bịt lỗ thủng lãng phí

bởi

trong
Bịt lỗ thủng lãng phí

Trong buổi làm việc ngày 22.5 vừa qua với Ban Nội chính T.Ư, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên, phải làm ngay”. Một chỉ đạo sắc như lời cảnh báo, rằng lãng phí không chỉ là “đốt tiền”, quản lý kém mà đã trở thành câu chuyện về sinh mệnh quốc gia.

Theo thống kê, hiện có hơn 1.500 dự án tồn đọng trên khắp cả nước, trong đó có những công trình đầu tư hàng nghìn tỉ đồng bị bỏ hoang như xác không hồn. Gần 20.000 nhà, đất, tài sản công đang lãng phí, kém hiệu quả. “Một hệ sinh thái thất thoát”, nơi mỗi mảnh đất hoang, mỗi tầng nhà bỏ trống chính là một lời chất vấn nhức nhối dành cho bộ máy công quyền. Những con số không biết nói dối!

Với loạt bài Chống lãng phí – Chống “giặc nội xâm”, Báo Thanh Niên gần đây đã phản ánh một thực trạng đau lòng: từ miền núi đến các đô thị trên khắp cả nước, hàng loạt dự án đầu tư công treo lửng lơ như giấc mơ giữa chừng. Bệnh viện, trường học, công sở “đắp chiếu” trong khi đất nước vẫn phải lo từng suất học phí cho trẻ em nghèo, từng thẻ bảo hiểm y tế cho người yếu thế.

Tổng Bí thư đã yêu cầu không chỉ thanh tra, điều tra, xử lý các vụ việc tồn đọng, mà còn phải giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sắp xếp bộ máy để phòng ngừa từ sớm, từ xa mọi lỗ hổng trách nhiệm.

Thật vậy, muốn chống lãng phí hiệu quả, không thể chỉ xử lý từng dự án, mà phải truy đến tư duy nhiệm kỳ, đến cách làm chính sách thiếu tầm nhìn dài hạn. Phải dám cắt không thương xót những công trình sai quy hoạch, không hiệu quả. Và càng phải dũng cảm truy trách nhiệm người ký, người duyệt, người buông lỏng.

Bởi đằng sau những công trình lãng phí không chỉ là bê tông, sắt thép mà là quyết định của một ai đó có quyền nhưng thiếu tầm, có chức nhưng thiếu trách nhiệm; thậm chí là sự trục lợi, đục khoét của những cán bộ đã thoái hóa, biến chất.

Ngăn lãng phí từ gốc phải bắt đầu từ những người nắm quyền phân bổ nguồn lực. Không thể để tồn tại tư duy “duyệt cho xong”, “làm cho có”, “bổ nhiệm vì quen biết”. Một cán bộ ký sai, cả ngân sách “chảy máu”. Một sự nhân nhượng sai để lại hậu họa hàng chục năm. Không thể chăm lo cho dân bằng một ngân sách bị rò rỉ mỗi ngày. Không thể xóa đói cho vùng cao bằng công trình treo “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Chống lãng phí không còn là khẩu hiệu đạo đức, mà là mệnh lệnh, là một trong những bài toán trọng yếu của quốc gia, vốn đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.