Trong nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí eJHaem, các nhà khoa học đã tìm ra một nguyên nhân bất ngờ nhưng quan trọng làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ.
Thiếu máu cục bộ là dạng thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu. Tình trạng này xảy ra do cơ thể thiếu sắt, tức không có đủ lượng sắt dự trữ để hỗ trợ sản xuất hồng cầu.
Ngoài ra, hiện nay ước tính có 10-15% số ca đột quỵ xảy ra ở người trong độ tuổi từ 18-50, độ tuổi dễ bị thiếu máu do thiếu sắt nhất, theo trang tin y khoa Medical Express.

Tỷ lệ mắc đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở nhóm tuổi 15 – 39 trên toàn cầu tăng lên một cách đáng lo ngại
Ảnh minh họa: AI
Tác giả nghiên cứu chính, tiến sĩ y khoa Jahnavi Gollamudi, từ Đại học Cincinnati (Mỹ) cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên khám phá tác động của thiếu máu do thiếu sắt đối với nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở nhóm người trẻ tuổi vốn dễ bị thiếu máu nhất.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cincinnati, Bệnh viện Đại học Cleveland và Bệnh viện Houston Methodist (Mỹ) đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 21 triệu người tham gia trong độ tuổi từ 15 – 50, từ hơn 300 bệnh viện ở Mỹ.
Trong số những người tham gia, có 36.989 người từng bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Thiếu máu do thiếu sắt có thể là nguyên nhân gây ra đột quỵ ở người trẻ
Kết quả đã phát hiện thiếu máu do thiếu sắt làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ tuổi.
Cụ thể, ở những người từng bị đột quỵ, tỷ lệ bị thiếu máu do thiếu sắt cao một cách đáng ngạc nhiên – gấp 5 lần so với người không bị đột quỵ.
Đáng chú ý, người bị thiếu máu do thiếu sắt có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn đến 39% so với người không bị thiếu máu do thiếu sắt, theo Medical Express.
Tiến sĩ Gollamudi kết luận: Tóm lại, kết quả đã chứng minh thiếu máu do thiếu sắt có thể là nguyên nhân gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ.

Rất nhiều thực phẩm chứa sắt mà bạn có thể lựa chọn
Thiếu máu do thiếu sắt được điều trị thế nào?
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, điều trị thiếu máu do thiếu sắt tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng.
Các phương pháp khắc phục thiếu sắt có thể bao gồm:
Uống thực phẩm bổ sung sắt. Thực phẩm bổ sung sắt có thể điều chỉnh lượng sắt thấp trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, lượng sắt lớn có thể gây hại, vì vậy chỉ nên dùng thực phẩm bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ.
Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa sắt. Cũng nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, đặc biệt là thịt bò và gan. Thịt gà, thịt heo, cá và động vật có vỏ cũng là nguồn sắt tốt.
Ngoài ra, cũng có thể tăng lượng sắt từ các loại đậu và đậu nành; trái cây sấy khô, như mận, nho khô, mơ khô; rau bina, các loại rau lá xanh đậm và nước ép mận.
Đặc biệt, vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt. Nguồn cung cấp vitamin C dồi dào là rau và trái cây, đặc biệt là trái cây họ cam quýt. Cần lưu ý nếu đang dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ xem có thể ăn bưởi không. Bưởi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
Các loại trái cây và rau giàu vitamin C khác bao gồm ổi, kiwi, dâu tây, dưa lưới, bông cải xanh, ớt chuông, cải Brussels, cà chua, bắp cải, khoai tây…