
Hộp xá lợi đang được tôn trí tại tháp Phật Hoàng, Ngọa Vân, Yên Tử – Ảnh: NGUYỄN THỦY
Và mới đây TS Nguyễn Văn Anh (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố tìm thấy xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Ngọa Vân.
Theo TS Nguyễn Văn Anh, sử liệu cho biết Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi viên tịch được các đệ tử hỏa thiêu, để lại ngọc cốt và hơn 3.000 viên ngọc xá lợi. Xá lợi Phật hoàng sau đó được phân thành nhiều phần lưu giữ ở nhiều nơi để nhân dân, phật tử thờ phụng và chiêm bái.
Tìm thấy hòm xá lợi ở nơi từng tôn trí
Theo sử liệu, có ít nhất 7 điểm tôn trí xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông. Một là Ngọa Vân, Yên Tử (nay thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh) – nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và cũng là nơi các đệ tử làm lễ trà tì (hỏa thiêu).
Hai là chùa Tư Phúc nằm trong Hoàng cung Thăng Long, hiện chưa xác định được vị trí cụ thể ở đâu. Ba là tháp Báo Thiên thuộc chùa Báo Thiên, thuộc khu vực Nhà thờ lớn Hà Nội hiện nay. Bốn là Đức Lăng ở Tam Đường, Thái Bình (nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Thứ năm là tháp Huệ Quang (tháp Tổ) ở Hoa Yên, Yên Tử. Thứ sáu là ở tháp Phổ Minh, chùa Phổ Minh (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Tại đây năm 1986, tỉnh Nam Định tiến hành trùng tu lại tháp Phổ Minh cũng đã xác nhận tại tầng 11 của tháp có một hòm đá, theo mô tả của sử sách, trong hòm có chứa xá lợi.
Và thứ bảy là ở Quỳnh Lâm – tự viện lớn, trung tâm đào tạo tăng tài của thiền phái Trúc Lâm – có hai tháp tôn trí xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Cho tới trước năm 2017, tháp Phổ Minh là nơi duy nhất được xác nhận là còn hòm xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông. Năm 2017, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh, thị xã Đông Triều khai quật di tích am Ngọa Vân đã phát hiện hộp xá lợi. Các nhà khảo cổ học cho rằng đây là xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chiếc hộp được cho là chứa xá lợi Phật hoàng được tìm thấy ở Ngọa Vân – Ảnh: TS NGUYỄN VĂN ANH
Nhiều khả năng là xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông
TS Nguyễn Văn Anh cho biết mục tiêu quan trọng nhất của cuộc khai quật tại am Ngọa Vân năm 2017 là tìm kiếm dấu tích của tháp Phật Hoàng thời Trần do Pháp Loa (đệ tử thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm) cho xây dựng làm nơi chứa xá lợi của Trần Nhân Tông tại Ngọa Vân.
Kết quả khai quật cho thấy việc tu bổ tôn tạo am Ngọa Vân dưới thời Lê trung hưng đã làm thay đổi cơ bản cấu trúc mặt bằng của am Ngọa Vân thời Trần, do đó chưa thấy dấu vết tháp Phật Hoàng thời Trần.
Tuy vậy đoàn đã phát hiện ra một hộp bằng hợp kim. Từng nghiên cứu về hộp xá lợi ở tháp Nhạn (Nghệ An) cũng như các địa điểm tôn trí xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông nên ông Văn Anh nghi ngờ đó là hộp xá lợi.
Ông quyết định không mở hộp mà giữ nguyên cấu trúc hộp như khi xuất hiện, vì nếu là hộp xá lợi thì việc giữ nguyên trạng có giá trị nhiều mặt, trong đó có cả giá trị về tâm linh.
Thay vào đó, ông đã thực hiện quy trình, báo cáo và tham vấn các nhà nghiên cứu, trong đó có cả những học giả nước ngoài chuyên nghiên cứu về hộp xá lợi đã được phát hiện tại Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.
Để làm rõ cấu trúc của hộp, nhóm nghiên cứu đã quyết định dùng phương pháp chụp X-quang. Kết quả X-quang cho thấy hộp gồm hai lớp hộp (bên trong hộp thấy còn một hộp khác). Hộp trong cùng có chứa hai vật, một vật có hình que (giống hình một mảnh xương) và một vật có hình tròn (cấu trúc và hình dáng khá giống hình của răng hàm).
Hình dáng, cấu trúc (cấu trúc kim quan được dùng trong táng thức của bậc đế vương) và kích thước của hộp, nhất là đồ vật bên trong hộp, cho phép suy đoán đây là hộp xá lợi. Hộp này lại được tìm thấy ở Ngọa Vân là nơi Phật hoàng hóa, nên nhóm nghiên cứu suy đoán đây chính là hộp xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
“Nghiên cứu chiếc hộp đó chúng tôi nhận thấy khó ai được hưởng hình thức táng thức như thế, ngoài Trần Nhân Tông”, ông Anh nói. Mới đây ông đã công bố về phát hiện hộp xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đoàn tỳ kheo do tỳ kheo Bhikkhu Bodhi dẫn đầu dự Vesak 2025 tới thămTháp Phật hoàng – nơi đang tôn trí hộp xá lợi vừa tìm thấy – Ảnh: XUÂN CỪ
Tiếp tục nghiên cứu thêm
Cho ý kiến về công bố của TS Nguyễn Văn Anh, GS Lương Gia Tĩnh – phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam và PGS.TS Tống Trung Tín – chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam – cho rằng việc cho rằng đây là hộp đựng xá lợi của Phật hoàng cũng có những lý lẽ nhất định, nhưng để khẳng định chắc chắn hơn, các nhà khoa học nên tiếp tục nghiên cứu thêm.
Về góp ý này, ông Anh nói ở Trung Quốc hộp xá lợi đã được phát hiện tại nhiều nơi như chùa Đại Vân (Cam Túc), chùa Pháp Môn (Thiểm Tây), tháp Lôi Phong ở Triết Giang… Dựa trên ghi chép lịch sử, các xá lợi này được xác định là xá lợi của Đức Phật. Nhưng vẫn có những nghi ngờ về việc liệu đó có thực sự là xá lợi Phật hay không. Nghi ngờ này là lẽ thường trong khoa học.
Việc có những ý kiến nghi ngờ hộp xá lợi tìm thấy ở Ngọa Vân không chắc là xá lợi của Trần Nhân Tông, theo ông Anh, cũng là điều dễ hiểu và nó là động lực để nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm những bằng chứng có tính thuyết phục cao hơn.
Năm 2022, hộp xá lợi mà nhóm ông Anh tìm thấy đã được cung rước vào an trí trong tháp Phật Hoàng tại Ngọa Vân – tòa tháp được xây vào thời Lê trung hưng (năm 1707).
Cùng năm, am Ngọa Vân, tháp Phật Hoàng và tháp Đoan Nghiên cũng đã được trùng tu. Tỉnh Quảng Ninh cũng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối để đường hành hương về Ngọa Vân thuận tiện hơn.
TS Nguyễn Văn Anh cho biết thêm hộp đựng xá lợi được phát hiện trong đợt khai quật di chỉ tháp Nhạn (xã Hồng Long, Nam Đàn, Nghệ An) do Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An) khai quật năm 1985 – 1986, có mấy viên cũng được cho là xá lợi Phật. Tháng 12-2017, hộp xá lợi được công nhận là bảo vật quốc gia.