Đủ kiên trì rác sẽ nở hoa

Đủ kiên trì rác sẽ nở hoa

bởi

trong

Câu chuyện của chị Lê Thị Mùi là câu chuyện đầy cảm hứng về một người kiên trì theo đuổi niềm tin của mình. Lâu nay, tên trang cá nhân Mùi Thị Lê của chị đã trở nên vô cùng quen thuộc với cộng đồng gần 17.000 người đam mê trồng cây, theo đuổi hành trình chăm sóc vườn cây hữu cơ từ rác.

Chặng đường không trải bằng hoa hồng

Sinh năm 1979, sống tại Hà Nội, có gia đình hạnh phúc và công việc ổn định, chị Lê Thị Mùi vẫn luôn đau đáu về tương lai của thế hệ mai sau, về trách nhiệm xã hội của một con người cần phải làm.

Đủ kiên trì rác sẽ nở hoa

Chị Mùi cùng sản phẩm phân bón vi sinh tại trang trại Kiến Vàng farm

ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Trong giai đoạn cách ly xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19, chị Mùi tự trồng rau sạch cho gia đình. Tuy nhiên, việc mua các loại phân bón, đất trồng dinh dưỡng vào thời điểm đó không hề dễ dàng, cộng với việc ngày ngày nhà chị phải vứt bỏ một lượng lớn rác từ thức ăn, rau củ quả thừa khiến chị nảy ra một ý nghĩ táo bạo. Từng học chuyên hóa – sinh, lại không ngại tìm hiểu, chị quyết định tìm tòi về vi sinh rồi mày mò ủ rác để làm phân bón cho cây.

Rác để ủ là nguồn rác hữu cơ, có thể là đồ ăn thừa, rau củ quả hỏng kết hợp với men vi sinh, nước và rỉ mật. Thời gian đầu chị Mùi trải qua rất nhiều thất bại như môi trường nhà ở thành phố nhỏ hẹp, khi ủ rác bị phát sinh mùi, tính toán sai lượng pha nên nước thu được sau ủ mang tưới cây khiến cây bị sốc và chết…

Vừa làm vừa học, dần dần chị Mùi bắt đầu thấy rõ sự khác biệt khi áp dụng vi sinh vào việc ủ rác. Sau 2 ngày ủ đã có nguồn dinh dưỡng bón cho cây, đất trồng dần được cải thiện, rau lá xanh tươi.

Với những kết quả đạt được, chị Mùi háo hức lập nhóm Yêu rác (Biến rác thành hoa) vào ngày 1.6.2021 trên nền tảng Facebook. Với sự nhiệt tình chia sẻ và hỗ trợ của chị, số lượng thành viên tăng lên nhanh chóng. Tại đây, mọi người chia sẻ niềm đam mê cây cối và cùng nhau áp dụng ủ rác để trồng cây, giúp gia đình có vườn rau sạch, cây ăn trái sai quả, hoa nở tươi màu mà không dùng hóa chất.

Đủ kiên trì rác sẽ nở hoa- Ảnh 2.

Chị Mùi (phải) lan tỏa tinh thần sống xanh tại Mỹ Đức, Hà Nội

ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Nhưng khó khăn thật sự mới chỉ bắt đầu khi chị Mùi có những ấp ủ lớn hơn. Sau dịch Covid-19, chị nhận thấy có thể ủ rác ở thành phố, những không gian nhỏ với một lượng rác vừa phải là đủ để chăm sóc vườn cây. Chị quyết định nghỉ công việc nhà nước đang vô cùng ổn định để dành toàn tâm ý áp dụng phương pháp vi sinh cho trang trại của riêng mình.

Chị Mùi thuê một mảnh đất rộng 5.000 m2 tại H.Mỹ Đức để làm trang trại. Trang trại Kiến Vàng farm chính thức đi vào hoạt động với mục tiêu đi theo định hướng hữu cơ, áp dụng vi sinh vào chăn nuôi, trồng trọt, tái chế rác làm nguồn phân bón. Chị thuê thêm nhân công để chăm sóc trang trại, áp dụng vi sinh vào xử lý các vấn đề tại Kiến Vàng farm. Tuy nhiên hiệu quả lại không được như ý và trang trại rơi vào tình trạng có thể “sập” bất cứ lúc nào.

Cũng trong thời điểm này, gia đình thấy chị Mùi quá say mê những điều “viển vông”, nên giữa chị và người thân không tìm được tiếng nói chung. Đây thực sự là quãng thời gian khó khăn nhất với chị. Bế tắc có, ấm ức có, mệt mỏi có, tưởng chừng như có thể chị phải dừng lại tại đây.

Sau những đêm thức trắng, chị Mùi vẫn vững tin việc mình làm là đúng. Vực dậy tinh thần, rà soát lại tất cả quy trình, chị phát hiện vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ nhân công vẫn theo thói quen cũ và không tin rằng chỉ cần triệt để áp dụng vi sinh là đủ. Quy trình không được áp dụng toàn diện nên thất bại là điều dễ hiểu.

Cuối cùng, chị Mùi quyết định cho nghỉ toàn bộ nhân viên cũ, tự mình làm và kiểm chứng. Đó có thể nói là một trong những “mốc lịch sử” trong hành trình phát triển trang trại theo hướng hữu cơ của chị Mùi. Và đúng như câu “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ nở hoa”, trang trại Kiến Vàng farm đã thành công áp dụng vi sinh vào toàn bộ quá trình hoạt động, tận dụng được nguồn rác thải, không phân bón hóa chất và không thuốc trừ sâu.

Thành quả ngọt ngào

Trang trại Kiến Vàng farm – Không hóa chất và cộng đồng Yêu rác (Biến rác thành hoa) với gần 17.000 thành viên là trái ngọt của chị Mùi đến thời điểm này. Bằng việc chứng minh cho mọi người thấy thành công khi rác được ủ thành công, không bốc mùi, cây lá tốt tươi, dần dần chị đã thu hút được rất nhiều người làm theo.

Đủ kiên trì rác sẽ nở hoa- Ảnh 3.

Các em học sinh Trường PTDT Nội trú THCS-THPT H.Bắc Hà (Lào Cai) tham gia chăm sóc vườn rau

ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Một người làm được, có kết quả thành công sẽ nhân ra hai người, ba người rồi cả một tập thể. Chị Mùi thấy rằng khi mọi người thu được kết quả, tự trải nghiệm và thành công, họ sẽ dần thay đổi nhận thức và tin tưởng ở mình. Và khi nhận thức thay đổi thì mọi người sẽ sẵn sàng thực hiện những hành động cụ thể vì cuộc sống xanh, tốt cho sức khỏe của chính mình và thế hệ mai sau.

Như trường hợp bà Ngô Thị Quảng ở Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ban đầu, bà còn nghi ngờ nhưng khi áp dụng tại mảnh vườn nhỏ của gia đình đã cho ra thành quả cây cối xanh bóng, đất màu mỡ lên. Phấn khởi khi tự tay mình trồng được những luống rau sạch cho con cháu, bà đã ủ rác được 5 năm liên tiếp. Hàng xóm của bà Quảng là bà Nguyễn Thị Nhuận sang chơi thấy vườn cây tươi mát, lại thấy bà Quảng ủ rác không bị mùi, tận dụng được rác thải hữu cơ nên cũng hào hứng làm theo.

Hay như chị Hải sinh sống tại Hà Nội – một thành viên tích cực của nhóm Yêu rác (Biến rác thành hoa) – đã áp dụng ủ rác để có vườn rau 20 m2 tươi tốt trên sân thượng cho gia đình. Chị còn sử dụng vi sinh để giúp đàn gà khỏe mạnh mà không phải dùng đến nhiều loại thuốc phòng chống bệnh.

Nổi bật hơn nữa là trường hợp chị Thủy, chị Thảo là những giáo viên của Trường PTDT Nội trú THCS-THPT H.Bắc Hà (Lào Cai) đã áp dụng phương pháp ủ rác tại trường học để giáo dục cho học sinh vừa có ý thức sống xanh, vừa cùng nhau tự tay chăm sóc vườn rau, cải thiện bữa ăn hằng ngày. Các chị chia sẻ cảm giác tự hào và thấy việc mình làm thật sự có ý nghĩa khi ngắm vườn rau xanh mướt một màu trong trường, còn các em học sinh tự giác có ý thức chung trong việc chăm sóc vườn cây, bảo vệ môi trường.

Đủ kiên trì rác sẽ nở hoa- Ảnh 4.

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS-THPT H.Bắc Hà (Lào Cai) vui mừng với thành quả thu hoạch được

ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Trường THCS Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng áp dụng ủ rác để lấy phân bón cho 100% hệ thống cây xanh trong trường. Thông qua đó, các em học sinh được thực hành bài học từ sách vở và các buổi tuyên truyền bảo vệ môi trường vào thực tế.

Rồi rất nhiều, rất nhiều những thành viên của cộng đồng “yêu rác” trong và ngoài nước đã áp dụng thành công và lan tỏa. Chị Lê Thị Mùi không kiểm đếm xem mình đã nhân rộng mô hình, lan tỏa ra được bao người mà chỉ đơn giản tâm niệm rằng đó là việc mình cần và nên làm. Ý thức trách nhiệm với cuộc sống của bản thân, của những người xung quanh, hay rộng ra là trách nhiệm xã hội là điều đương nhiên của mỗi con người. Bởi thế, chị không tính toán xem mình đã làm được gì hay mục tiêu sao cho thật lớn lao.

Mỗi bước đi của chị Mùi là từng chút một để nơi mình sống, những người mình có thể chia sẻ từng bước sẽ xanh hơn, lành hơn.

Đủ kiên trì rác sẽ nở hoa- Ảnh 5.