6 hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 điều 28 của luật này mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 điều 31 của luật này.
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 điều 34 của luật này và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại điều 35 của luật này.
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại điều 35 của luật này.
Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Từ 1.7, doanh nghiệp có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý nghiêm, truy cứu trách nhiệm hình sự
ẢNH: XUÂN KHÁNH
Chế tài xử phạt hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ điều 41 luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định biện pháp xử phạt đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
- Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Về xử lý hành chính
Theo điểm a khoản 7 điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.
Nếu không thực hiện theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 điều này, từ 30 ngày trở lên.
Căn cứ khoản 1 điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền trên là đối với cá nhân. Nếu doanh nghiệp vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100 – 150 triệu đồng.
Về xử lý hình sự
Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được quy định tại điều 216 bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên đến 7 năm tù.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt cụ thể:
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 200 – 500 triệu đồng.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, thì bị phạt tiền từ 1 – 3 tỉ đồng.
Luật bảo hiểm xã hội 2024 và luật bảo hiểm xã hội hiện hành có gì khác?
Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, so với luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (hiện hành) thì luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, có hiệu lực từ 1.7 có một số điểm mới, cụ thể:
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa quy định rõ ràng như thế nào là hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và các chế tài xử phạt. Tuy nhiên, luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã khắc phục quy định cụ thể về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và các chế tài xử lý.
Theo đó, hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại điều 38 luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Biện pháp xử lý hành vi được quy định tại điều 40 của luật này.
Còn hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại điều 39. Biện pháp xử lý hành vi được quy định tại điều 41 luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Cũng theo luật sư Sơn, luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 còn có 1 điểm mới nữa là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố…
Đồng thời, luật mới cũng quy định về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống dảo hiểm xã hội đa tầng: Giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi và xuống 70 tuổi đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Luật mới cũng quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu, còn luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức thời gian 20 năm.
Bên cạnh đó, luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội thông qua việc bổ sung quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.