
Một số người bước qua tuổi 45 vẫn đủ sức chơi các môn thể thao cường độ cao – Ảnh: HS
Tạp chí Sức khỏe của ĐH Harvard (Harvard Health Publishing) đưa ra lời khuyên về việc tập luyện sau tuổi 45, độ tuổi được xem là bên kia sườn dốc của người trung niên.
Cùng với nhiều nguồn báo về sức khỏe uy tín nước ngoài khác, Tuổi Trẻ Online đã tổng hợp thông tin với bài viết “Những môn thể thao nên từ bỏ ở tuổi 45”. Bài viết này ngay lập tức nhận được nhiều tranh luận từ độc giả.
Cụ thể, các môn thể thao cường độ cao như chạy bộ, các môn đối kháng (bóng rổ, bóng đá, võ thuật), cử tạ nặng, quần vợt được khuyên nên từ bỏ với người ngoài 45 tuổi.
Thay vào đó, các môn có tính chất ít va chạm, nhẹ nhàng nhưng duy trì vận động liên tục, như: bơi lội, đi bộ nhanh, bóng bàn, yoga, xe đạp… được khuyến khích.
Tuổi 45 trở đi phải lượng sức mình
Theo độc giả Trà Hoa, “thể dục thể thao là phải cân nhắc theo sức của bản thân, lớn tuổi chút nhưng tập thường xuyên, chăm sóc sức khỏe tốt thì nhiều môn vẫn chơi được, chỉ cần đừng cố cạnh tranh quá sức thôi”.
Trong khi đó độc giả Xuân Hưng thừa nhận: “Tôi sau tuổi 50 từ bỏ bóng chuyền, chuyển qua bóng bàn và xe đạp. Lớn tuổi không nên gắng sức như lúc trẻ được”.
Độc giả có email pdie****@gmail.com đặt câu hỏi: “Tôi năm nay 70 tuổi, mỗi ngày vào buổi chiều tôi đạp xe khoảng 30 đến 40 phút, như vậy là hợp lí chưa?”.
Hay theo đọc giả Nguyễn Văn Hương: “Tôi năm nay 53 tuổi mà vẫn nhảy đập bóng chuyền được, chắc không tốt đúng không?”.
Theo độc giả Hân Dương, lớn tuổi chạy xe đạp là rất hợp lý nhưng nên tránh giờ cao điểm buổi chiều khi có nhiều xe máy xả khói gây ô nhiễm không khí.
“Khi đó chạy xe đạp tập thể dục là hợp lý lại thành không hợp lý vì hít phải không khí ô nhiễm… Tôi thấy đạp xe sáng sớm là hợp lý nhất”, đọc giả này khuyên.
Chia sẻ về những thắc mắc trên, độc giả Nguyễn Nhật Đăng viết: “Hãy hỏi cơ thể mình, đừng đu trend. Phải xác định, thể thao để rèn luyện sức khoẻ khác với thi đấu, nếu có thi đấu thì nên chọn người trình độ ngang ngửa mình thôi. Vì đã thi đấu thì mấy ai chịu thua, dù kém hơn họ, chấn thương cũng từ đây”.
“Nên đi bộ hàng ngày tầm 30-45 phút là hợp lý và tốt cho sức khỏe tuổi trung niên”, độc giả Kforhai đưa ra lời khuyên. Bạn đọc có địa chỉ email than****@gmail.com cho biết: “Tôi 46 tuổi, chạy khoảng 6 – 8km mỗi ngày”.
“Tôi 55 tuổi, mỗi buổi sáng hít đất một lần 50 cái. Chắc phải bỏ thôi”, đọc giả tên Minh nêu ý kiến.
Từ kinh nghiệm bản thân, bạn đọc có tên Bichngocnguyen chia sẻ: “Mỗi ngày tôi dành 1 tiếng vào sáng sớm để đi bộ, rất khỏe”. Theo bạn đọc tên Luong TT, “tóm lại là vẫn tập nhưng tập ở cường độ thấp và nhẹ”.
60 – 70 tuổi, chơi các môn thể thao nặng hàng ngày vẫn thấy khỏe?
Trái với những ý kiến trên, nhiều độc giả tỏ ý không đồng tình với lời khuyên nên từ bỏ những môn thể thao yêu thích của mình.
“Ông ngoại tui 54 tuổi ổng vẫn dắt tôi ra sân bóng mỗi ngày đá với mấy chiến hữu của ông, có hôm bị anh trẻ vô bóng mạnh ổng bị gãy chân 7 tháng. Nhưng ông vẫn đam mê, hồi phục vẫn đá tiếp, nể thiệt”, độc giả tên Bao kể.
Theo độc giả Mr pipi: “Chơi thể thao thì phải lượng sức, chú tôi U65 đá bóng ầm ầm đó thôi. Gân cốt chắc khoẻ, thật ra tuổi tác là con số, quan trọng là ăn, uống, sinh hoạt, tinh thần kết hợp vận động“.
Còn độc giả Thành cho biết anh năm nay 46 tuổi, vẫn có thể chạy 100km và tham gia giải 3 môn phối hợp Ironman 70.3 nổi tiếng…
“Tôi năm nay hơn 50 tuổi, vẫn đều đặn tập gym hàng ngày. Nhưng thay vì tập nặng thì chuyển sang tập nhẹ, vừa sức thôi, sức khỏe vẫn đảm bảo để “cày” công việc từ sáng đến tối, dù đôi khi giờ giấc căng thẳng nhưng vẫn cố gắng duy trì tập luyện”, độc giả Quang Khai cho biết.
Anh cũng chia sẻ thêm: “Tôi thấy nhiều người trên 60 vẫn thường xuyên tập như tôi và họ rất khỏe. Phòng tập có 2 anh bị ung thư, nhờ tập thể dục đều đặn mà vượt qua được sau ca mổ.
Tôi nghĩ, quan trọng là cách tập, liều lượng, sức khỏe mỗi người… chứ không phải ở môn thể thao nào. Tất nhiên những môn thể thao trong bài viết là phù hợp với đa số”.
Đồng tình, độc giả có tài khoản luan****@gmail.com viết: “Tập thể dục đều đặn bình thường không nên giảm mà không nên tăng sẽ sống thọ. Phòng gym tôi tập mấy chú lớn tuổi nhìn trẻ như mới 30 – 40 tuổi vậy, do họ tập thể dục đều đặn”.
Những quan điểm trái ngược nhau này là điều dễ hiểu, bởi bài viết của Harvard Health Publishing cũng thừa nhận rằng cơ thể, cũng như quá trình tập luyện từ nhỏ đến lớn của mỗi người là khác nhau.
Có rất nhiều những VĐV ở tuổi ngoài 50, 60, thậm chí 70 vẫn có thể chơi tốt các môn chạy marathon, bóng đá, võ thuật…
Tuy nhiên, đây không phải là đối tượng chiếm đa số. Phần đông người chơi thể thao đều cảm thấy cơ thể dần suy kiệt, dễ chấn thương khi bước qua khoảng tuổi 40-45.
Vì vậy, nhìn nhận từ góc độ sức khỏe, việc các bác sĩ và chuyên gia y khoa nước ngoài khuyên người tập nên bỏ bớt những môn thể thao cường độ cao ở tuổi trung niên, để giảm đi nguy cơ, rủi ro là điều dễ hiểu.