Lần đầu ghi hình cá hóa thạch sống trong tự nhiên

Lần đầu ghi hình cá hóa thạch sống trong tự nhiên

bởi

trong

Các nhà nghiên cứu quan sát và ghi hình một con cá vây tay Sulawesi còn sống ở ngoài khơi Indonesia nhưng giữ kín vị trí phát hiện để bảo vệ loài cá quý hiếm này.





Lần đầu ghi hình cá hóa thạch sống trong tự nhiên

Con cá vây tay được phát hiện ở độ sâu 144 m. Ảnh: Scientific Reports

Cá vây tay Sulawesi thường được gọi “hóa thạch sống” – là một trong hai loài cá vây tay còn tồn tại trên Trái Đất. Cá vây tay từng được cho là tuyệt chủng cùng thời với khủng long cách đây khoảng 65 triệu năm. Tuy nhiên, chúng bất ngờ quay trở lại vào năm 1938 khi ngư dân ngoài khơi Nam Phi bắt gặp một con cá vây tay Ấn Độ Dương (Latimeria chalumnae).

Trong khi đó, cá vây tay Sulawesi (Latimeria menadoensis) vẫn chưa được phát hiện cho đến khi các nhà khoa học tìm thấy một con tại chợ cá vào năm 1997. Cho đến nay, chúng chưa từng được chụp ảnh hay quay phim trong môi trường tự nhiên, và báo cáo quan sát chỉ đến từ tàu ngầm điều khiển từ xa.

Tuy nhiên, điều đó thay đổi vào tháng 10/2024, khi nhóm tác giả nghiên cứu mới trông thấy con cá vây tay Sulawesi dài 1,1 mét ở độ sâu khoảng 144 m tại tỉnh Bắc Maluku của Indonesia. “Con cá bơi trong nước thay vì nấp ở trong hang hay dưới mái đá nhô ra, vốn là nơi ẩn náu ban ngày của cá vây tay”, nhóm nghiên cứu cho biết. “Khi chúng tôi quan sát nó, con vật dựng đứng toàn bộ vây lưng và giữ nguyên như vậy suốt thời gian, có thể liên quan đến trạng thái hoạt động hoặc hành vi tự vệ tự nhiên”. Ngày hôm sau, con cá vây tay này lại được phát hiện tại cùng vị trí với vây lưng dựng đứng lần nữa.

Không giống phần lớn loài cá hiện nay vốn có nguồn gốc từ tổ tiên vây tia, cá vây tay là một trong những loài cá vây thùy còn sót lại, có nghĩa chúng có vây thịt chứa xương trông gần giống các chi. Có niên đại từ kỷ Devon, cá vây tay lần đầu xuất hiện khoảng 420 triệu năm trước và sở hữu một số đặc điểm cổ xưa, như phần đầu có thể mở ra giống bản lề và cơ quan cảm thụ điện trong mũi.

“Ngày nay, tất cả quần thể cá vây tay được biết đến đều chịu áp lực từ con người trên toàn cầu, và nhiều mối đe dọa mới có thể xuất hiện trong tương lai với sự phát triển của hoạt động du lịch không được kiểm soát”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. “Do đó, để bảo vệ quần thể mới tiềm năng của loài L. menadoensis dễ tổn thương khỏi xáo trộn, vị trí chính xác của phát hiện được giữ kín cho đến khi có thêm nghiên cứu và biện pháp bảo vệ tốt hơn”.

An Khang (Tổng hợp)