Vi phạm an toàn thực phẩm ảnh hưởng thương hiệu sầu riêng
Ngày 24/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững”.
Hội nghị đánh giá những thuận lợi, khó khăn và bàn các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, ổn định và hiệu quả.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy (thứ 3, từ bên trái sang) tham quan vườn sầu riêng của nông dân Đắk Lắk (Ảnh: Thúy Diễm).
Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, tổng diện tích sầu riêng của Việt Nam 179.000ha, sản lượng 1,6 triệu tấn, trong đó, Đắk Lắk có 38.000ha (lớn nhất cả nước) với sản lượng 360.000 tấn.
Theo ông Văn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới phê duyệt thêm cho tỉnh Đắk Lắk 200 mã số vùng trồng, 15 mã số cơ sở đóng gói. Đến nay, Đắk Lắk có 39 cơ sở đóng gói và 268 mã vùng trồng. Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mang lại giá trị kinh tế cao nhưng còn có nhiều khó khăn, thách thức.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc vi phạm an toàn thực phẩm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm sầu riêng của nước ta nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu (Ảnh: Thúy Diễm).
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm cả nước chỉ đạt 130 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Trung Quốc siết chặt các quy định về nhập khẩu sầu riêng có kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn dư lượng kim loại nặng như Cadimi, vàng O.
“Để xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, việc hoàn thiện về cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho ngành hàng rất cần thiết và là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu”, ông Văn nêu giải pháp.
Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sầu riêng, bà Ngô Tường Vi, Chủ tịch Tập đoàn Chánh Thu đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản phẩm bảo quản sầu riêng, đáp ứng được nhu cầu rất lớn hiện nay.
“Sầu riêng của nước ta không thua kém các nước khác. Để người tiêu dùng nhớ tới sầu riêng Việt Nam, cần xây dựng thương hiệu sầu riêng quốc gia và các sản phẩm sầu riêng cần đồng bộ về chất lượng khi xuất khẩu”, bà Vi kiến nghị.
Tháo gỡ vướng mắc cho ngành hàng sầu riêng
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong chưa đầy một thập kỷ, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô diện tích và sản lượng, từ 32.000ha năm 2015 lên gần 180.000ha năm 2024 (tăng 6 lần).
“Sau khi Nghị định thư xuất khẩu với Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã có bước nhảy vọt. Kim ngạch năm 2024 đã cán mốc hơn 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược”, Bộ trưởng Duy nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao đổi để gỡ vướng cho ngành hàng sầu riêng (Ảnh: Thúy Diễm).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thẳng thắn cho rằng, việc phát triển và tăng trưởng “nóng” của sầu riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu định hướng và sự quản lý đồng bộ.
“Nếu không kịp thời có những giải pháp quản lý căn cơ, bài bản, đồng bộ, chúng ta sẽ phải đối mặt với vòng xoáy tiêu cực, dư thừa sản lượng, giá sụt giảm, mất thị trường và nghiêm trọng hơn cả là suy giảm niềm tin của khách hàng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bộ cùng với chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp và chủ động làm việc với cơ quan chức năng của nước nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng chảy xuất khẩu sầu riêng.
Ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt bổ sung thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.

Sầu riêng Việt Nam đang đứng trước thách thức và cơ hội lớn để phát triển (Ảnh: Thúy Diễm).
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định ngành hàng sầu riêng vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có ngay những biện pháp ứng phó kịp thời.
Qua đó, phải đánh giá thực trạng tăng trưởng “nóng” về sản xuất và xuất khẩu, tìm giải pháp để nâng cao năng lực kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và kiểm soát chất lượng.
Phải tổ chức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất sầu riêng theo hướng minh bạch, có ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Tìm kiếm những giải pháp, dài hạn cho chiến lược phát triển thị trường, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu quốc gia.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, nông dân, sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, có thể biến thách thức thành cơ hội, từng bước xây dựng ngành hàng sầu riêng trở thành một trụ cột mới của nền nông nghiệp nước ta.
Đối với các đề xuất trong hội nghị, Bộ trưởng Đào Đức Duy ghi nhận và sẽ xem xét để ưu tiên tạo điều kiện với những kiến nghị quan trọng, thiết thực để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.
Ngày 23/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 71 về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường, gây bất ổn sản xuất, xuất khẩu sầu riêng.