Những bất cập, vướng mắc về thủ tục triển khai các dự án nhà ở xã hội là vấn đề mấu chốt được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận tại Quốc hội sáng 24/5, về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Các đại biểu Quốc hội ghi nhận dự thảo nghị quyết đã tối ưu hóa việc rút gọn thủ tục, song cần bổ sung một số quy định cụ thể để việc triển khai được thuận lợi.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận việc đầu tư nhà ở xã hội lợi nhuận thấp, nếu xây rồi cho thuê, giá thuê lại càng thấp nên doanh nghiệp ít mặn mà.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (phải) trao đổi với đại biểu Nguyễn Văn Thân bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).
Để có nguồn vốn đa dạng triển khai chủ trương này, vị đại biểu cho rằng nên đa dạng hóa nguồn Quỹ Nhà ở quốc gia, khuyến khích người dân tiết kiệm tiền đóng góp vào quỹ nếu muốn được mua, thuê nhà ở xã hội.
Ông dẫn bài học ở một số nước cho thấy họ có quỹ dành cho người mua nhà, người nào có nhiều đóng góp vào quỹ đó sẽ được theo dõi, đánh giá để lựa chọn có đủ khả năng được mua nhà trong tương lai hay không.
Về giải ngân quỹ tín dụng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trước đây có gói 120.000 tỷ đồng và nay lên tới 145.000 tỷ đồng, song theo ông Cường, giải ngân rất thấp do doanh nghiệp muốn vay tiền đầu tư phát triển nhà ở xã hội lại vướng các điều kiện khác.
Đề nghị nới nhiều quy định, ông Cường cho rằng nên cho phép “cứ doanh nghiệp nào có dự án nhà ở xã hội, cần vay tiền sẽ được vay theo gói 120.000 tỷ đồng”.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ảnh: Phạm Thắng).
Góp ý về thủ tục và tiến độ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị bổ sung cơ chế một cửa, một đầu mối để tránh chủ đầu tư phải đi hết sở này đến sở khác làm thủ tục.
Bên cạnh đó, theo ông An, cần quy định luôn tổng thời gian cấp thủ tục cho các dự án nhà ở xã hội là 90 ngày, tránh tình trạng kéo dài, làm mất 18-24 tháng dẫn đến khó triển khai.
Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết gần 5 năm qua, cả nước mới triển khai 679 dự án và 623.000 căn nhà ở xã hội; hoàn thành 108 dự án và 73.000 căn – chỉ đạt khoảng hơn 15% so với mục tiêu đề ra.
Cho biết còn vướng mắc trong thực tế, trước hết Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề cập đến tồn tại về thủ tục, quy trình triển khai đầu tư dự án nhà ở xã hội, với thực tế chỉ có một thủ tục cũng mất đến 300 ngày.
Về quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với 145.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Xây dựng cho biết đến tháng 4 mới giải ngân được 3.042 tỷ đồng, tức gần 3%. “5 năm giải ngân như thế là rất kém. Nhà đầu tư cũng rất ngán ngẩm khi một số quy định chặt chẽ quá về thủ tục tín dụng, như vậy thì không làm được”, ông Minh nói.

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh (Ảnh: Phạm Thắng).
Thông thường, việc giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thông qua đấu thầu sẽ mất khoảng 300 ngày, song theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, vừa rồi Chính phủ đề xuất thời gian này rút ngắn chỉ còn 75 ngày.
Khâu lập thẩm định, phê duyệt, quy hoạch chi tiết nếu bỏ được và lồng ghép như phương án trong dự thảo nghị quyết, cũng sẽ giảm 115 ngày, theo lời ông Minh.
Khi thảo luận, một số đại biểu cho rằng cần quy định giá sàn, song Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định không thể quy định theo giá sàn, mà tới đây sẽ có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.
Đơn cử sau khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được vênh lên 10% so với dự toán.
“Nếu đưa ra giá sàn, tới đây có 34 tỉnh, thành và mỗi nơi có một đơn giá vật liệu, vật tư khác nhau nên không thể có giá sàn chung, mà phải quy định theo giá của dự toán”, ông Minh lý giải.