
Theo Bộ Nội vụ, trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 04/2012 (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 14/2018 và Thông tư số 05/2022) thì quy trình bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định tổ chức bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Chủ tịch sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức triển khai kế hoạch chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu.
Người đứng đầu UBND xã ban hành quyết định thành lập Tổ bầu cử chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Tổ bầu cử gồm: Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố làm tổ trưởng; thành viên là đại diện các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội và đại diện hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố (không phải là người ứng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố).
Các quyết định phải được thông báo đến nhân dân ở thôn, tổ dân phố, niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố và thông báo trên hệ thống truyền thanh hoặc bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện của địa phương chậm nhất 7 ngày trước ngày bầu cử.
Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố dự kiến danh sách người ứng cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Đồng thời, phải báo cáo cấp ủy chi bộ thôn, tổ dân phố để thống nhất giới thiệu ít nhất 1 người ra ứng cử; tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố sau khi có ý kiến của chi ủy chi bộ thôn, tổ dân phố để quyết định danh sách chính thức những người ứng cử (ít nhất 1 người).
Nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản theo mẫu số 05 kèm theo Nghị định này và gửi tới UBND cấp xã chậm nhất 15 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư.
Việc tổ chức bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tại cuộc họp của cộng đồng dân cư thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, UBND xã xem xét, quyết định công nhận người trúng cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc quyết định bầu lại; trường hợp không ban hành quyết định công nhận hoặc quyết định bầu lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của UBND cấp xã.
Tại Dự thảo Nghị định phân định thẩm quyền lĩnh vực nội vụ khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến sẽ chuyển 120 nội dung thuộc 8 lĩnh vực từ cấp huyện xuống cấp xã gồm: Văn thư và lưu trữ nhà nước; thi đua khen thưởng; tiền lương – bảo hiểm xã hội; việc làm, an toàn lao động; tổ chức cán bộ; thanh niên và bình đẳng giới; tổ chức phi chính phủ; người có công.
Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, theo Bộ Nội vụ, cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành, tập trung phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Chính quyền cấp xã mới đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay.