NGŨ LINH GIỮA BIỂN
Theo các nghiên cứu địa chất, miệng núi lửa ở Lý Sơn bắt đầu hình thành cách nay khoảng 25 – 30 triệu năm. Khoảng 10.000 năm trước, những đợt phun trào bazan dữ dội kiến tạo nên địa hình đặc trưng với tổng cộng 10 miệng núi lửa, phân bố gồm 6 miệng trên Đảo Lớn, 1 miệng ở Đảo Bé và 3 miệng nằm dưới đáy biển. Trải qua thời gian, những núi lửa cổ đã tắt nhưng để lại dấu tích ngoạn mục, biến Lý Sơn thành một trong những hòn đảo có giá trị cảnh quan và địa chất đặc sắc nhất VN.

Vách đá sừng sững trên đảo Lý Sơn
ẢNH: PHẠM ANH
Trong một hội thảo về địa chất và văn hóa liên quan đến Sa Huỳnh và Lý Sơn, TS Phạm Thị Ninh (Hội Khảo cổ học VN) cho biết, địa chất – địa hình đảo Lý Sơn chủ yếu hình thành từ các đợt phun nổ, phun trào bazan cổ xưa. Nổi bật nhất là 5 miệng núi lửa trên Đảo Lớn: Hòn Tai, Hòn Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung và Thới Lới. Cùng với Hòn Đụn trên Đảo Bé, người dân và giới khảo cổ gọi 5 ngọn núi trên Đảo Lớn là “ngũ linh” hay “ngũ sơn”, mỗi hòn mang một sắc thái, một thần khí riêng, như linh vật canh giữ hòn đảo giữa đại dương.
Đặt chân lên đỉnh Thới Lới, đỉnh cao nhất của đảo (khoảng 149 m so với mực nước biển) là trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn. Vào buổi sớm, ánh mặt trời đầu tiên chạm vào vách đá bazan đen tuyền, phản chiếu xuống mặt biển ngọc lam, tạo nên khung cảnh lung linh như cõi mộng. Khi nắng lên cao, gió biển mơn man qua đồi cỏ, rừng cây, làm cả đỉnh núi sáng rực lên sắc vàng ấm áp.
Ẩn mình trong lòng miệng núi lửa cổ, hồ nước ngọt Thới Lới tựa như một “báu vật” quý giá giữa hòn đảo đá. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, ánh lên sắc vàng kim như những hạt pha lê trôi nổi, nhẹ nhàng và rực rỡ.

Đảo Lý Sơn đẹp lung linh
ẢNH: HỮU THƯ
Đỉnh Thới Lới còn lưu giữ một khu rừng nguyên sinh cổ kính, nơi từng được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong lòng núi là động đá rộng lớn, nơi người dân lập chùa thờ Phật, gọi là Thiên Khổng Thạch Tự, ẩn mình trong những vách đá chênh vênh giữa trời mây.
Ở phía đông đảo Lý Sơn là Hang Câu, nơi biển và núi hòa quyện tạo thành những vách đá uốn lượn hình trôn ốc, vân đá lạ kỳ như bàn tay tạo tác của đất trời. Những cột đá sừng sững, bề mặt in dấu vết bào mòn của sóng gió, khắc họa nên một bức tranh trừu tượng kỳ vĩ.
Ông Nguyễn Xuân Nam (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) cho rằng Lý Sơn là kho tàng địa mạo quý giá, không chỉ mang giá trị cấp quốc gia mà còn là di sản địa chất tầm quốc tế. Những kiến tạo địa hình hiếm gặp như thềm biển mài mòn, hang biển, cầu đá tự nhiên… đều là minh chứng rõ nét cho lịch sử hoạt động núi lửa hàng triệu năm.

Hòn Thới Lới là một khối đá cao nhất đảo Lý Sơn
ẢNH: PHẠM ANH
Trên nền địa chất độc đáo ấy, đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều di tích tiền – sơ sử và dấu tích lịch sử gắn liền với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa biển đảo và những hùng tráng về hải đội Hoàng Sa. Tất cả những yếu tố đó hòa quyện, tạo nên một di sản văn hóa – địa chất độc nhất vô nhị của Đông Nam Á.
LÝ SƠN TRONG TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI KOR
Lý Sơn còn hiện diện trong kho tàng văn hóa dân gian của người Kor, cư dân miền tây Quảng Ngãi. Với người Kor, Lý Sơn mang tên gọi Đăk Ta Ly. Theo truyền thuyết, hòn đảo này từng là một phần của làng Ta Ly trên vùng núi Cà Đam, sau đó bị cuốn ra khơi bởi một trận đại hồng thủy.

Vách đá ở Hang Câu đảo Lý Sơn
ẢNH: PHẠM ANH
Những phiến đá còn sót lại trên sông Rabua và những ngọn đồi nhấp nhô ở phía tây H.Trà Bồng chính là minh chứng cho trận chiến khốc liệt năm xưa giữa thần linh và con người.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư, câu chuyện này có thể bắt nguồn từ một trận lũ lớn trong quá khứ. Giai thoại không chỉ lý giải nỗi e dè của người Kor khi làm lễ cầu mưa, mà còn góp phần lý giải nguồn gốc văn hóa, con người trên đảo Lý Sơn.

Vách đá lồi lõm là do kiến tạo của địa chất trên đảo Lý Sơn
ẢNH: PHẠM ANH
Ngày nay, đứng giữa biển trời Lý Sơn, nơi hội tụ của đá, lửa, nước và truyền thuyết, người ta không chỉ cảm nhận vẻ đẹp kỳ vĩ mà còn thấy được cả chiều sâu văn hóa lan tỏa từ ngọn núi cổ. Một bảo tàng sống giữa đại dương, nơi thiên nhiên, truyền thuyết và tâm hồn con người cùng nhau thăng hoa. (còn tiếp)