Tòa án chặn lệnh cấm đối với Đại học Harvard

Tòa án chặn lệnh cấm đối với Đại học Harvard

bởi

trong

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Kristi Noem, DHS cấm Harvard tuyển sinh viên quốc tế mới và yêu cầu hơn 7.000 sinh viên quốc tế hiện tại (chiếm 27,2% tổng số sinh viên của trường) phải chuyển trường hoặc đối mặt với nguy cơ mất tư cách pháp lý tại Mỹ. Bà Noem cáo buộc Harvard “kích động bạo lực, bài Do Thái và hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Bà chỉ trích Harvard không cung cấp hồ sơ của các sinh viên quốc tế trong khi đại học này bác bỏ cáo buộc. ĐH Harvard sau đó khởi kiện, mô tả hành động của DHS là “màn trả đũa phi pháp” vì nhà trường ủng hộ các chính sách mà chính quyền không thích. Harvard cũng cáo buộc chính quyền vi phạm hiến pháp và luật liên bang, đồng thời cam kết bảo vệ sinh viên quốc tế.

Tòa án chặn lệnh cấm đối với Đại học Harvard

Bên trong khuôn viên ĐH Harvard tại Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ)

Thẩm phán Burroughs, được bổ nhiệm từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, ra phán quyết vì Harvard chứng minh được rằng việc thu hồi SEVP sẽ gây “tổn thất ngay lập tức và không thể khắc phục”. Lệnh chặn tạm thời có hiệu lực tối đa 14 ngày, cho phép sinh viên quốc tế tiếp tục ở lại Harvard trong khi chờ phán quyết cuối cùng. Chủ tịch ĐH Harvard Alan Garber gọi phán quyết của tòa án là bước đi quan trọng nhằm bảo vệ quyền và cơ hội của các sinh viên và học giả quốc tế của trường.

Thẩm phán đã ấn định phiên điều trần tiếp theo vào ngày 27.5 để xem xét các bước tiếp theo của vụ kiện. Chính quyền Tổng thống Trump có thể kháng cáo phán quyết này. Người phát ngôn Nhà Trắng Abigail Jackson khẳng định “các thẩm phán không được bầu” không có quyền ngăn cản chính quyền thực thi chính sách nhập cư và an ninh quốc gia. Trung Quốc, chiếm 20% sinh viên quốc tế tại Harvard, chỉ trích Mỹ “chính trị hóa giáo dục”, cho rằng động thái này làm tổn hại uy tín quốc tế của Mỹ.

Cũng trong ngày 23.5, chính quyền Tổng thống Trump nộp đơn kháng án sau khi thẩm phán liên bang Susan Illston tại California ra lệnh cấm các cơ quan liên bang sa thải nhân viên hàng loạt, trọng tâm trong chính sách tinh gọn chính quyền của ông Trump. Phán quyết được bà Illston ban hành cuối ngày 22.5, giúp cản trở các động thái của chính quyền để chờ kết quả vụ kiện của các liên đoàn lao động bảo vệ cho người bị sa thải, theo Reuters. Vị thẩm phán cho rằng ông Trump phải xin phép quốc hội mới được tổ chức lại các cơ quan liên bang.

Trong một diễn biến liên quan, truyền thông Mỹ hôm qua loan tin chính quyền ông Trump đang cho hơn 100 nhân viên của Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng nghỉ việc, trong nỗ lực tái cấu trúc cơ quan này dưới sự lãnh đạo của Cố vấn an ninh quốc gia tạm quyền – Ngoại trưởng Marco Rubio.