Những ngày này, cả nước bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Tại ngôi nhà trên phố Xuân Tảo (Q.Tây Hồ, Hà Nội), ông Đoàn Kỳ Thụy, thư ký riêng của nguyên Chủ tịch nước – khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, trầm ngâm mở lại tập ảnh được chụp hơn 50 năm về trước.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương chia vui với các tác giả của công trình Bản đồ địa chất VN tỷ lệ 1/500.000
ẢNH: TƯ LIỆU
Dấu ấn ngành địa chất của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ lời kể nhà khoa học
NGỦ RỪNG, LỘI SUỐI NGHIÊN CỨU ĐỊA CHẤT
Ngược về quá khứ, ông Thụy kể năm 1966, khi vừa tốt nghiệp Trường ĐH Mỏ địa chất ở Liên Xô, ông về nước xin vào Cục Bản đồ địa chất VN làm việc.
Ban đầu, ông Thụy được sắp xếp làm việc tại phòng họa đồ, chuyên vẽ địa chất nhưng không đúng chuyên môn. Sau đó, trong một buổi ra sông tắm, ông gặp nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương, khi đó là Cục phó Cục Bản đồ địa chất VN. “Tôi biết anh Lương trong khi đi học ở Liên Xô. Khi gặp lại, anh Lương hỏi tôi về VN từ khi nào, làm ở đâu. Tôi trả lời làm ở phòng họa đồ. Sau đó, anh chuyển tôi về phòng kỹ thuật”, ông Thụy nói.

Ông Đoàn Kỳ Thụy xem những bức ảnh khi làm việc cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
ẢNH: ĐÌNH HUY
Trong ký ức người kỹ sư trẻ khi ấy, Cục phó Trần Đức Lương là người gần gũi với cấp dưới, hiểu sâu sắc về địa chất VN. Bởi vậy, ông Thụy thường xuyên được cấp trên hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn.
Ông Thụy nhớ như in những lần đi khảo sát địa chất ở vùng núi Tây Bắc cùng Cục phó Trần Đức Lương. Dù với vai trò cấp trên nhưng ông Lương vẫn lội suối, ngủ rừng, chia sẻ công việc cùng anh em trong nhóm.
Cuối năm 1979, Cục phó Cục Bản đồ địa chất Trần Đức Lương được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, ông Thụy tiếp tục đi theo, trở thành thư ký của Tổng cục trưởng. Trên cương vị mới, công việc rất nhiều nhưng Tổng cục trưởng Trần Đức Lương vẫn sắp xếp thời gian đi thực tế cùng nhóm để vừa có phát hiện thực tế, vừa để kết luận chính xác nghiên cứu của nhóm.
Chính những lần đi thực tế đó, Tổng cục trưởng Trần Đức Lương đã góp công lớn cho sự ra đời của “Bản đồ địa chất VN tỷ lệ 1/500.000 (Tổng cục Mỏ và Địa chất xuất bản năm 1988)”. Công trình sau đó được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KT-XH CỦA ĐẤT NƯỚC
Ông Thụy nhận định đây là những công trình nghiên cứu cơ bản, định hướng cho sự phát triển ngành nghề tương lai của VN. Với khoáng sản, bản đồ phản ánh cấu trúc địa chất để phát hiện ra sự liên quan, hoặc chỉ ra loại đất đó các tác dụng như thế nào sau này.

Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương làm việc với các nhà địa chất Liên Xô tại thủ đô Moscow
ẢNH: TƯ LIỆU
Bản đồ cũng liên quan chặt với nông nghiệp, bởi địa chất nghiên cứu mặt đất phủ bên trên để xem trong đó có nguyên tố gì; từ đó xem đất phù hợp trồng loại cây nào. Đây là nền tảng quy hoạch vùng trồng.
Ngoài ra, bản đồ cũng hữu ích cho việc xây dựng đập thủy điện, đường sá, nhà cao tầng… Để xây dựng được công trình này, địa chất phải đi trước một bước, phải nghiên cứu rất tỉ mỉ. Ông Thụy lấy ví dụ đã từng đi khảo sát lòng hồ Thác Bà, hồ Hòa Bình để xây dựng đập thủy điện tại khu vực này.
Bản đồ địa chất VN tỷ lệ 1/500.000 là sự kết hợp giữa hai bản đồ, một là Bản đồ địa chất miền Bắc VN do các nhà địa chất VN (trong đó có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương) và Liên Xô thực hiện. Sau khi đất nước thống nhất, các nhà địa chất mới thực hiện phần địa chất ở miền Nam, cuối cùng mới thành được bản đồ địa chất toàn quốc.
Tuy vậy, trong quá trình kết hợp, nhóm tác giả đã gặp không ít khó khăn do bản đồ 2 miền được làm lúc đất nước vẫn đang bị chia cắt nên hai hệ thống khác nhau, khi ghép lại gặp trục trặc, phải chỉnh sửa nhiều lần. Thêm nữa, trong quá trình thí nghiệm để xác định khoáng sản, phòng thí nghiệm của ta cũng còn yếu…

Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp nghiên cứu sinh địa chất tại Liên Xô
ẢNH: TƯ LIỆU

Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương (thứ 5 bên phải từ ngoài vào) và ông Đoàn Kỳ Thụy (thứ 4 bên phải từ ngoài vào) tại Viện Kinh tế quốc dân Liên Xô
ẢNH: TƯ LIỆU
“Bằng sự am hiểu, khả năng tập hợp tài liệu, đánh giá tổng thể và chỉ đạo rất sâu sát của anh Trần Đức Lương và anh Nguyễn Xuân Bao (Anh hùng lao động ngành địa chất – PV), dù khối lượng tài liệu điều tra cơ bản hồi đó rất lớn nhưng sau đó Bản đồ địa chất VN tỷ lệ 1/500.000 đã được hoàn thành và có giá trị về khoa học, KT-XH cho đến bây giờ”, ông Thụy cho biết.
TỪ BỎ TIẾN SĨ ĐỂ ĐÓNG GÓP CHO NGÀNH ĐỊA CHẤT
Ông Thụy chia sẻ bản thân may mắn khi được làm việc cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gần 20 năm. Trong thời gian này, ông đã học hỏi từ nguyên Chủ tịch nước rất nhiều về cách làm việc, tinh thần tự học, kiên trì.
Ông Thụy nhớ mãi lần tháp tùng Tổng cục trưởng Trần Đức Lương trong chuyến công tác ở Nga đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Lúc đó, trong một cuộc họp, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô muốn nghe tình hình khoáng sản của VN, do đây là câu hỏi nằm ngoài chương trình nên không có sự chuẩn bị. Thế nhưng, chỉ trong 1 đêm thảo luận, Tổng cục trưởng đã hình thành bản báo cáo đầy đủ, rõ ràng, được các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về địa chất ở Liên Xô đánh giá cao.
Đặc biệt, Tổng cục trưởng Trần Đức Lương trình bày bằng tiếng Nga rất lưu loát dù chưa học tiếng Nga ở Nga bao giờ. “Vị giáo sư ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô hỏi tôi rằng, anh Lương học ở nước họ khi nào, tôi trả lời anh ấy chưa học ở đây bao giờ khiến họ rất ngạc nhiên”, ông Thụy nói và tiết lộ thêm ngoài tiếng Nga, nguyên Chủ tịch nước cũng tự học và rất giỏi tiếng Anh, tự trình bày những báo cáo khoa học bằng tiếng Anh.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (thứ 2 từ phải sang) và đồng nghiệp thời còn trẻ
ẢNH: TƯ LIỆU

Ông Thụy nói về vai trò đồng chủ biên của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
ẢNH: ĐÌNH HUY

Ông Thụy nhớ lại những ngày đầu làm việc với Cục phó Trần Đức Lương
ẢNH: ĐÌNH HUY
Trong cái nhìn của ông Thụy, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thực sự là người anh của ngành địa chất, có những đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của ngành. Suốt hai thập kỷ đầu tiên của sự nghiệp, nguyên Chủ tịch nước từ một cán bộ kỹ thuật sơ cấp tự học và phấn đấu lên kỹ sư, rồi học chuyên tu ở Trường ĐH Mỏ địa chất và được bổ nhiệm làm lãnh đạo của Tổng cục Địa chất.
“Trong thời gian làm lãnh đạo, Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm khoa học địa chất Liên Xô có gửi thư báo để anh Lương sắp xếp thời gian sang bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Thế nhưng do công việc ở Tổng cục Địa chất quá nhiều, anh đã từ chối”, ông Thụy kể và cho hay, đến năm 1988, chính hội đồng đó đã bầu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm giáo sư danh dự của Viện Hàn lâm khoa học địa chất Liên Xô.
Ngay cả thời điểm không còn là người đứng đầu ngành, khi là đại diện của Chính phủ VN ở Hội đồng Tương trợ kinh tế, nguyên Chủ tịch nước cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến địa chất. Ông đã làm việc, đề nghị các nước thành viên của hội đồng giúp VN nghiên cứu địa chất, đề nghị đã được chấp nhận. Sau đó, Hungary cử đoàn công tác phối hợp với đoàn địa chất VN nghiên cứu mỏ bô xít ở Tây nguyên, nơi có trữ lượng bô xít lớn hàng đầu thế giới.
Vẫn với sự quan tâm dành cho ngành địa chất, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã yêu cầu Chính phủ Tiệp Khắc cử đoàn nghiên cứu đất hiếm ở Nậm Xe (Lai Châu) hoặc các đoàn nghiên cứu khác hỗ trợ tại mỏ sắt Thạch Khê, mỏ than Nông Sơn…