Phong bao màu đỏ bay lơ thơ trên phố. Đã có lúc nào chỉ có một mảnh rác như thế này. Không bao giờ nhìn thấy sắc trời vần vũ như trong ác mộng thế này. Không, chỉ trong bộ phim kinh dị nào đó thôi. Cô bé như choáng ngợp trước sắc trời đen, phảng phất. Tìm hình bóng ai trong chạng vạng?
Cái phong bao đó rõ ràng bé mừng tuổi ông Hai cơ mà. Dù chỉ có một xíu thôi, thế mà nó bay mất. Con bé Liên ngồi phịch xuống đất. Đất trong thành phố. Chỉ ở gốc cây thôi đấy.

Minh họa: Văn Nguyễn
Tiếng lao xao chộn rộn, vô minh. Nghe ù ù hòa trong tiếng đì đùng. Sấm và sét át đi mắt môi loang loáng. Bé giống như con kiến. Hay con ong tên là Liên. Mẹ bảo “liên” là bông sen thơm ngát tỏa hương dày đặc, át cả mùi kẹo thơm phức. Không hiểu nổi mẹ nghĩ gì. Thật ngược đời phải không.
Con bé Liên có bán được hàng không? Ai đó buông ra một câu hỏi vu vơ. Họ muốn gì? Câu hỏi của con bé mong manh như tờ giấy mỏng tang giữa phong ba bão tố. Chẳng cần. Cái quạt công nghiệp công suất lớn thổi vù vù từ xưởng làm kẹo bay ra cũng đủ. Mùi kẹo này tưởng thơm lắm à? Không đâu. Trong hơi men ngào ngạt, tao thấy mày cũng dễ thương lắm. Vào đây, vào đây nào.
Cho con bé chiếc kẹo mới ra lò, ông Hai nhìn bím tóc to đùng vẫy vẫy. Loang loáng che hết nguồn sáng cuối cùng đèn sợi đốt chiếu ra. Thế kỷ hai mốt với nhiều công nghệ hiện đại, một xưởng làm kẹo xài thứ bóng điện sợi đốt cũ kỹ, gây hại cho môi trường. Như cái chung ở đó thôi. Như đã biết kiểu gì cũng có người càm ràm.
“Biết thế rồi mà vẫn còn cho nó”.
“Tui cứ thích cho đấy. Buôn bán mà hổng thoải mái thì sao phát đạt được”.
Ông đấy. Làm sao không lo, chỉ thích bao đồng. Trời xám xịt khi nghe bà Mai xổ ra tràng quen thuộc. Tôi cứ thích nghĩ thế đấy. Có sao không? Xưởng có hơn chục người làm thì ai cũng đều nhìn tôi bằng con mắt lạ lẫm. Những đôi mắt đã chứng kiến bao dối gian, lọc lừa, nay lại lóe lên thứ ánh sáng xam xám, lẫn chút đen thui. Chẳng phải đâu, tụi tui biết mà. Biết thế ông nhỉ. Thông cảm đi, bình tĩnh đi.
Họ chưa bao giờ thấy ông chủ có khuôn mặt như thế cũng phải thôi. Cái xưởng tối om. Ai tắt đèn đi thế? Ồn ã. Lao xao. Người trong một cái khung lọp xọp. Ông kia lấy đâu ra cái ô. Tui đi. Tui không ở đây nữa. Biết thế. Tiếng phụ nữ to dần rồi chỉ còn thanh âm vang vọng trong tai.
Xưởng tồn tại hình như đã hơn hai chục năm. Từ khi cái xuồng dài ngoẵng của ông Hai Lèn đậu vào bến tạm. Xác xơ thật. Đám trẻ trên bờ nhìn xuống bằng nửa con mắt. Ơ hơ, ông già kìa. Lũ trẻ cười khanh khách, lũ trẻ cảm thấy không khí sắp bị quấy động bởi một quái nhân phương nào ào đến. Ê tụi bay ơi, nhìn ông đó kìa. Sao kinh dị vậy.
Lũ trẻ chỉ thấy một người đàn ông mặt mũi phong sương. Có lẽ chúng không muốn hiểu hoặc cố tình không hiểu. Trẻ con mà. Cắm mặt bên sông chờ đợi ngày mai. Chúng mong gì không rõ. Hỏi một câu đùa bỡn rồi nhào vào chiếc cần câu. Trẻ con mà sướng quá vậy bay? Câu buông ra có vẻ vô tình của bà Mai vợ ông Hai khiến lũ trẻ chạy biến. Chỉ cần thế thôi là đủ để ông Hai thấy cả một bầu trời đen tối trước mắt. Cái to nhất cũng chỉ thế này thôi mấy đứa nhỉ. Ông già hau háu nhìn những chiếc kẹo mới ra lò. Để được một mẻ thế này không dễ đâu nha mấy bà gói kẹo.
Hứ. Ba bàn tay phụ nữ khua lạo xạo trên chiếc bàn sắt bóng loáng. Ngỡ như có cả một rừng trái cây trước mặt. Đúng rồi đấy. Đúng thế… cứ thế. Mấy bà phải khoắng thật mạnh ấy. Rõ điên cái ông này. Người phụ nữ luống tuổi nhất ngước lên nhìn ông Hai bằng con mắt nhăn tít. Có mỗi đôi mắt để biểu thị cảm xúc trên tấm khẩu trang ám mùi đường ngọt. Chà, tưởng dân gói kẹo như tụi tui mà sướng hả. Ông thử suốt ngày chịu cái mùi ngọt ngào này tra tấn đi. Xem nào. Thử coi. Ông Hai cười xòa, xua tay ra chiều không chấp nhặt nhân viên của mình.
“Tui đâu có ý nói mấy bà”.
“Biết tỏng cái bụng của ông rồi”.
***
Câu chuyện trong xưởng làm kẹo cứ miên man mấy câu thường nhật. Con người sống trong thế giới nhỏ bằng khoanh ruộng, cố giương mắt ngó lên cũng không thấy mặt trời. Hiên vắng. Lan can gắn bằng cây tre xâm xấp nước tù, khói đọng. Ấy thế mà cũng có con bé ra nhìn vào xa xăm. Con bé Liên đợi lấy kẹo đi bán.
Chiếc cổ bé xinh cứ gặn lên khe khẽ. Con bé đính lên tóc hoa ni lông tự gấp. Không ai biết hoàn cảnh của nó. Chỉ thấy xóm có thêm một đứa trẻ con đến lấy kẹo ở xưởng. Ông Hai thấy nó lại cố nặn ra câu chuyện bâng quơ nào đó cho đỡ ngại. Tao ghét kẹo dừa. Dính răng bỏ xừ. Tao chỉ làm loại kẹo dễ ăn thôi. Bà già hay ông già cũng ăn được. Mê ông Hai nhất đó. Liên cười điệu đà, bông hoa ni lông bay theo gió thổi vi vu. Ông Hai ngó ra chỗ khác, bâng quơ ráo hoảnh vài câu rồi đi vào xua đám phụ nữ đang lấp ló coi trộm sau cánh cửa.
Lão già từ đâu đến? Không ai trong xóm biết. Chỉ có một câu ca về lão. “Nông dân hổng chịu, đi làm kẹo bán, có gì khó đoán, lão thương trẻ con”. Chẳng đúng đâu, ông Hai luôn thở dài khi nghe mấy câu vu vơ ấy. Lại có thằng phá làng phá xóm nào đó cải biên “đọc rap” đoạn thơ nhắng nhít đó về ông Hai nữa cơ. Chà chà, quá khứ có gì mà vấn vương đến thế. Đằng nào thì cũng gần đất xa trời.
Ông Hai luôn nghĩ vậy. Ở xóm này, cất cái nhà miễn cưỡng che được nắng mưa. Giữa chộn rộn tiếng chửi của bọn trẻ trâu quậy phá, nhà làm kẹo vẫn tồn tại. Thì đúng rồi, ăn kẹo là trẻ con, bọn kia lớn rồi mà, đâu còn rớt dãi để thèm thứ của ngọt kia. Cứ an yên mà làm tới thôi. Một ông già. Mấy bà hơi già. Thế là đủ gom lại mấy số phận bị bỏ lại giữa mênh mông chìm nổi. Ờ, cũng một đời lênh đênh, sao dạt đến chốn nửa nổi nửa ngập thế này.
Lẫn rồi ông ạ, chỗ kia ngập thì bên gò cao kia phải nổi chớ.
Rõ dở hơi. Lại đến bà vợ chịu cái tật tuổi già. Trước kia bả cũng hiền lắm, sau vụ trả hết nợ cho mấy đứa cháu sinh ra cáu bẳn. “Nai lưng ra mà nuôi con bé, trời ơi, ông cũng rảnh gớm”. Mắng nhau bâng quơ dăm câu rồi gục đầu vào mà cán kẹo. Cũng thế mà thôi. Con Liên nó lớn, khắc tự lần mò qua thị trấn mà bán hàng. Tạo điều kiện cho nó cũng chỉ thế này thôi. Suy nghĩ ấy là bình thường trong cái lúc khó khăn này. Bay có hiểu tao nói không? Là con vi rút ấy. Nó từ đâu xuất hiện rồi biến đi như chưa từng tồn tại. Tao nhầm, tao cũng chỉ mong nó biến đi thôi. Bây xem, con Liên nó ngủ ở đâu chớ. Nhà mụ Hoa. Chen chúc chục đứa trong cái phòng chật chội đó kiểu gì cũng sinh bệnh. Rồi bây xem.
Lối đi đến xưởng làm kẹo qua một cây cầu. Cầu tre lắt lẻo chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh. Đây là cầu sắt. Ghép bằng mấy tấm gì đó gỉ sét. Sáng ngày in dấu bình bịch ông Hai và bà Mai. Hai con người tính cách trái ngược. Hai cái đầu lầm lũi đan đan, cuộn cuộn thành món ăn trẻ con thích. Tết đến rồi phải không. Ngước lên nhìn trên mái có cây cờ đỏ chót. Cờ trẻ em vẽ. Mà tao trông như hình cái phong bao lì xì á. Cha bây, vẽ thì vẽ cho cẩn thận. Mà con Liên đâu rồi?
Đám trẻ bán rong lắc đầu. Ông Hai nè, hôm bữa con thấy bà Mai đuổi nó đi rồi. Bả kêu con Liên cứ lảng vảng không cho người ta làm ăn. Ông Hai sững người. Chết trân. Khi tất cả cảm xúc kìm nén không thể phát ra nổi qua cái gương mặt méo xệch. Mặt hằn lên sương sớm. Ông Hai nhảy xuống đất. Chạy bình bịch trên cầu. Chắc chắn nó không thể đi xa được.
***
Nếu ai đến khu bãi này trong một ngày giáp tết, hẳn họ sẽ thấy một cảnh tượng kỳ lạ. Một ông lão cứ đứng ở chân cầu, khoát tay che ánh sáng mặt trời và nhìn về phía xa. Ông mong ai? Ông tìm gì mà không phải là một người khách hiếm hoi lạc đến nơi đây tham quan xưởng kẹo? Bình thường, thỉnh thoảng có một hai đoàn khách như vậy. Nhưng thời buổi lấy đâu ra ai ngoài mấy nhà đổ buôn và lũ trẻ lấy kẹo đi bán? Ông không cần câu trả lời đó. Vì hôm qua ông đã cãi nhau một trận ra trò với bà Mai rồi. Bà cũng không cần ông trả lời, chỉ muốn ông bớt lo chuyện bao đồng của thiên hạ, bớt đi cái sự đời nhiễu nhương mà an hưởng tuổi già nhàn nhã. Thì chính ông đòi làm cái xưởng kẹo này đấy thôi. Tiền bỏ ra mà làm chứ lãi lời được có bao nhiêu, lắm khi còn lỗ, lỗ sặc tiết từ thời dịch bệnh đến giờ.
Ông vẫn cứ làm kẹo để cho bàn tay bé nhỏ nào đó mang đi.
“Ông Hai. Lì xì ông nè”.
Lão sững người. Một con bé ăn mặc đẹp đẽ, gọn gàng, vai đeo chiếc túi to. Chắc nó cần rất nhiều kẹo mà không phải để bán. Hồi đó, con Liên nói nếu tìm được cha mẹ thì nhất định sẽ quay lại thăm.
Thể lệ
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi Sống đẹp lần V
Cuộc thi viết Sống đẹp lần V được tổ chức nhằm khuyến khích mọi người viết về những hành động cao đẹp đã giúp đỡ cá nhân hoặc cộng đồng. Năm nay, cuộc thi tập trung vào việc ca ngợi những nhân vật hoặc tập thể đã thực hiện những hành động nhân ái, mang lại hy vọng cho những hoàn cảnh khó khăn.
Điểm nổi bật là hạng mục giải thưởng mới về môi trường, tôn vinh những tác phẩm truyền cảm hứng và khuyến khích hành động vì một môi trường sống xanh, sạch. Qua đó, Ban tổ chức mong muốn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Cuộc thi có các hạng mục thi đa dạng và cơ cấu giải thưởng, bao gồm:
Hạng mục bài viết: Ký sự, phóng sự, ghi chép hoặc truyện ngắn, không quá 1.600 chữ cho bài viết và 2.500 chữ cho truyện ngắn.
Bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép:
– 1 giải Nhất: 30.000.000 đồng
– 2 giải Nhì: 15.000.000 đồng
– 3 giải Ba: 10.000.000 đồng
– 5 giải Khuyến khích: 3.000.000 đồng
Truyện ngắn:
– 1 giải Nhất: 30.000.000 đồng
– 1 giải Nhì: 20.000.000 đồng
– 2 giải Ba: 10.000.000 đồng
– 4 giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng
Hạng mục ảnh: Gửi bộ ảnh tối thiểu 5 bức liên quan đến hoạt động thiện nguyện hoặc bảo vệ môi trường, kèm theo tên bộ ảnh và mô tả ngắn.
– 1 giải Nhất: 10.000.000 đồng
– 1 giải Nhì: 5.000.000 đồng
– 1 giải Ba: 3.000.000 đồng
– 5 giải Khuyến khích: 2.000.000 đồng
Giải Bài được yêu thích nhất: 5.000.000 đồng
Giải Bài xuất sắc về đề tài môi trường: 5.000.000 đồng
Giải Nhân vật được vinh danh: 30.000.000 đồng
Thời gian gửi tác phẩm từ 16.4 đến 16.10.2025. Các tác phẩm sẽ được đánh giá qua vòng sơ khảo và chung khảo với sự tham gia của Ban giám khảo gồm các tên tuổi nổi tiếng. Ban tổ chức sẽ công bố danh sách người đoạt giải trên chuyên trang “Sống đẹp”. Xem chi tiết thể lệ tại thanhnien.vn.
Ban tổ chức cuộc thi Sống đẹp
