
Mỗi sáng, ba tôi, nay đã ngoài 80 tuổi, vẫn giữ thói quen từ lúc trẻ, khi thì thong thả duỗi bước đến quán café đầu ngõ, lúc thì đi xe gắn máy tới quán nào đó xa hơn mà ông đã hẹn với vài người bạn vong niên.
Ông không đến quán chỉ để vội vã uống xong rồi rời đi, mà để ngồi lại, chuyện trò cùng những người quen cũ, hoặc bắt chuyện với một người lạ tình cờ gặp gỡ. Ông lắng nghe tiếng xe cộ ngoài phố, cảm nhận nhịp sống chậm rãi len lỏi giữa lòng đô thị.
Với ông, quán cà phê không chỉ là nơi để thưởng thức hương vị, mà còn là một điểm tựa quen thuộc – nơi dung hòa giữa sự nhộn nhịp và tĩnh lặng, nơi ông tìm thấy sự gần gũi của kết nối con người. Trong giai đoạn cuộc đời không còn nhiều việc để lo toan, quán cà phê như một phương thuốc dịu dàng giúp ông chống chọi với nỗi cô đơn của tuổi già, ngoài gia đình và hoài niệm về công việc cũ.
Cũng như cha mình, tôi cũng rất yêu những quán cà phê ở Việt Nam, không biết từ lúc nào. Có lẽ từ những buổi sáng ngồi trên vỉa hè, tay cầm ly cà phê, dù là ở Huế, Sài Gòn hay Hà Nội, lặng lẽ quan sát dòng xe cộ lướt qua như những thước phim tài liệu sống động về đời sống đô thị, nghe những âm thanh vừa hỗn tạp vừa thân thuộc: tiếng gọi nhau í ới, tiếng máy xay cà phê rì rì trong góc quán. Vào những ngày mưa, tiếng mưa gõ nhịp trên mái tôn quyện với tiếng rao của bán hàng rong, tất cả vẽ nên một khung cảnh thân quen đến lạ, như thể một nơi mình thuộc về.
Gần mười năm qua sống ở phương Tây, tôi vẫn thường lui tới các quán cà phê, nhưng trải nghiệm ở đây rất khác biệt. Người ta ghé qua quán để mua một ly flat white hay long black mang đi, chứ hiếm ai thật sự “sống” trong quán. Họ đến và đi – cà phê chỉ là nhiên liệu để tiếp tục guồng quay công việc, không phải là cái cớ để dừng lại, thư giãn hay kết nối. Tôi thường thấy khó chịu vì nhiều quán cà phê ở nơi tôi sống hay đóng cửa trước 3 giờ chiều, nhiều quán chỉ bán vào ban sáng. Nhiều lần, tôi cố ngồi lại lâu hơn một chút, nhưng rồi bắt đầu cảm thấy không thoải mái, như thể sự hiện diện kéo dài của mình là điều gì đó không được khuyến khích. Cảm giác lạc lõng len vào tôi – một người trung niên chưa đến tuổi nghỉ hưu, khi ngồi lặng lẽ trong quán cà phê giữa giờ làm, đôi lúc giữa những người già, như thể việc ngồi yên vào thời điểm ấy là điều gì đó… vô ích, thậm chí lạc lõng giữa guồng quay bận rộn của thế giới.
Từ trải nghiệm cá nhân ấy, tôi bắt đầu quan tâm đến cách các nhà nghiên cứu đánh giá vai trò của không gian thứ ba đối với đời sống tinh thần của con người hiện đại.
Khái niệm “không gian thứ ba” (third place) được nhà xã hội học đô thị người Mỹ Ray Oldenburg đưa ra để chỉ những không gian công cộng, nơi con người có thể tụ tập, trò chuyện và tương tác một cách tự nhiên, không bị ràng buộc bởi vai trò hay quy tắc xã hội. Nếu “không gian thứ nhất” là nơi riêng tư như nhà ở, và “không gian thứ hai” là môi trường chuyên nghiệp như công sở, trường học hay bệnh viện – nơi hành vi bị chi phối bởi các khuôn khổ nghề nghiệp và quy định nghiêm ngặt, thì “không gian thứ ba” chính là khoảng không linh hoạt giữa hai cực đó. Đây là nơi con người được thể hiện bản thân một cách thoải mái trong các hoạt động xã hội thường nhật. Những không gian như quán cà phê, chợ, thư viện, công viên hay vườn hoa là ví dụ điển hình, khuyến khích sự kết nối, chia sẻ và nuôi dưỡng cảm giác thuộc về một cộng đồng.
Dù ở Việt Nam hay bất kỳ đâu trên thế giới, con người đều cần những “không gian thứ ba”, nơi họ được là chính mình, được kết nối mà không chịu ràng buộc bởi công việc hay trách nhiệm gia đình.
Ở các đô thị Việt Nam, quán cà phê là ví dụ sống động, thể hiện tinh thần cộng đồng và tính cởi mở trong đời sống thường nhật. Ở nông thôn, không gian thứ ba là quán nước đầu làng, chõng tre bên hè, hay cuộc tụ họp uống trà, đánh cờ ở nhà nhau mỗi chiều. Dù mộc mạc, những không gian ấy mang giá trị to lớn khi duy trì được sự kết nối, giải tỏa căng thẳng và tạo ra cảm giác thuộc về.
Tuy nhiên, các không gian thứ ba đang dần bị mai một. Quá trình đô thị hóa nhanh, sự thương mại hóa không gian sống, và sự phát triển của công nghệ số đang làm thu hẹp các nơi chốn gặp gỡ trực tiếp. Ở nhiều quán cà phê, tiếng nhạc mở quá lớn át đi mọi cuộc trò chuyện thân mật, khói thuốc lá cuộn đặc trong không khí khiến người ta khó thở hơn. Những nhóm thanh niên tụ tập ồn ào đánh bài, hay người ăn xin len lỏi giữa các bàn với ánh mắt dai dẳng, cũng làm gián đoạn sự bình yên vốn được kỳ vọng. Các quán cà phê dù mọc lên ngày càng nhiều, chen chúc nhau giữa phố thị, nhưng trong khi ngồi cạnh nhau, người ta lại chìm vào thế giới riêng qua màn hình điện thoại hay laptop, lặng lẽ nghe giọng nói nhân tạo vang lên, thay cho tiếng trò chuyện thân quen giữa con người với nhau.
Nhiều quán nước đầu làng, nhà văn hóa cũ hay sân chơi công cộng cũng dần bị thay thế bởi các trung tâm thương mại khép kín hoặc các khu dân cư tách biệt. Người làng thậm chí cũng tương tác nhiều hơn trên mạng xã hội qua zalo và facebook.
Giữa nhịp sống số hóa và đô thị hóa vội vã, và sự thu hẹp giao tiếp vào những ô vuông màn hình, những quán nước, quán cà phê vẫn âm thầm gìn giữ một nền văn hóa đặc sắc và hữu ích cần được trân quý, nơi con người có thể chạm mặt nhau, trò chuyện, và thật sự hiện diện.
Phạm Hòa Hiệp