Khoai tây, loại thực phẩm được sử dụng phổ biến nhất ở Nga, tăng giá gần gấp đôi trong năm qua, do biến động thời tiết và hậu quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga (Rosstat), giá khoai tây trung bình hiện nay ở các thành phố lớn như Moskva và St. Petersburg là 120-130 rouble mỗi kg, tăng 90,5% so với đầu năm 2024. Ở một số khu vực nông thôn, giá khoai tây thậm chí còn cao hơn do chi phí vận chuyển tăng.
Đây là mức tăng giá chưa từng thấy đối với một loại thực phẩm chủ lực, vượt xa mức lạm phát của Nga (khoảng 8,5% năm 2024). Điều này đã biến khoai tây, vốn được người Nga ví là “vua của các loại rau củ”, trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng giá, theo K-Politika.
“Trước đây, tôi mua 5 kg khoai tây với giá 200 rouble. Bây giờ, cùng số tiền đó chỉ mua được 1,5 kg. Chúng tôi phải cắt giảm các món ăn yêu thích từ khoai tây”, một người nội trợ ở St. Petersburg chia sẻ.

Người Nga chọn khoai tây tại siêu thị ở Rostov-on-Don hồi tháng 6/2024. Ảnh: TASS
Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, nguyên nhân đầu tiên khiến khoai tây tăng giá kỷ lục là nước này vừa trải qua mùa hè 2024 khô hạn nghiêm trọng ở các vùng nông nghiệp trọng điểm như Krasnodar và Rostov, nơi sản xuất 30% sản lượng khoai tây của cả nước.
Hạn hán đã làm giảm năng suất cây trồng tới 25% ở một số khu vực. Ngoài ra, bệnh mốc sương (phytophthora) và sâu bệnh hại càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất mùa, khiến nguồn cung khoai tây giảm mạnh.
Xung đột địa chính trị và các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng là nguyên nhân đáng kể, bởi Nga phụ thuộc vào giống khoai tây chất lượng cao nhập khẩu từ Hà Lan và Đức. Các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn nguồn cung này, trong khi các giống khoai tây nội địa của Nga chưa đủ sức cạnh tranh về năng suất và khả năng kháng bệnh.
“Nga chỉ sản xuất được 10% nhu cầu hạt giống khoai tây chất lượng cao. Nếu không giải quyết được vấn đề này, khủng hoảng sẽ kéo dài”, chuyên gia nông nghiệp Dmitry Petrov từ Đại học Nông nghiệp Moscow cho biết.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm rung chuyển ngành nông nghiệp Nga. Sản lượng khoai tây của Nga năm 2024 giảm mạnh, đạt 15 triệu tấn, so với 18,3 triệu tấn năm 2022, theo Bộ Nông nghiệp Nga.
Lạm phát toàn cầu và tình trạng đồng rouble mất 15% giá trị so với USD năm 2024 càng làm trầm trọng thêm vấn đề, khiến chi phí sản xuất nông nghiệp ở Nga tăng đáng kể. Giá phân bón hóa học tăng gấp đôi do gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi giá nhiên liệu tăng 30%, đẩy chi phí vận chuyển và bảo quản khoai tây lên cao.
“Chúng tôi phải trả 50.000 rouble cho một tấn phân bón, gấp ba lần so với năm 2022. Nếu không tăng giá bán, chúng tôi sẽ lỗ”, một nông dân ở vùng Tambov nói.
Một yếu tố khác tạo ra “bão giá” khoai tây là sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, với giá trị thị trường toàn cầu dự kiến đạt 35 tỷ USD năm 2025. Khoai tây chiên, khoai tây nghiền đóng gói và các món ăn nhanh ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn.
“Nhu cầu khoai tây chế biến tăng 15% mỗi năm, trong khi nguồn cung không theo kịp. Điều này tạo ra cơn bão hoàn hảo đẩy giá lên cao”, chuyên gia Anna Sokolova nói.
Theo chuyên gia này, việc tăng giá khoai tây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Đối với nhiều gia đình Nga, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và những người có thu nhập thấp, khoai tây là nguồn thực phẩm chính.
Từ những món ăn dân dã sủi cảo, borscht (súp củ cải đỏ) đến các bữa ăn gia đình ấm cúng, khoai tây hiện diện khắp mọi nơi, gắn bó với lịch sử và tâm hồn của nước Nga.
Theo khảo sát của Viện Levada năm 2023, 78% người Nga coi khoai tây là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn hàng ngày, vượt xa bất kỳ loại rau củ nào khác.

Một em bé Nga ăn súp khoai tây. Ảnh: TASS
Việc khoai tây, loại thực phẩm quốc dân, tăng giá kỷ lục có thể làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội và là biểu hiện rõ ràng nhất của khủng hoảng vật giá. Một số khu vực ở Nga đã ghi nhận hiện tượng mua bán khoai tây không chính thức, khi người dân tìm cách giao dịch trực tiếp với nông dân để tránh giá bán lẻ cao tại siêu thị hoặc các nhà cung cấp trung gian.
Theo Interfax, chính phủ Nga đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng giá khoai tây. Đầu năm 2025, Bộ Nông nghiệp Nga đã công bố kế hoạch mở rộng diện tích trồng khoai tây thêm 6.500 ha để tăng sản lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia Nga nhận định giải pháp này cần thời gian để mang lại hiệu quả, vì việc cải thiện năng suất đòi hỏi đầu tư vào giống cây trồng, công nghệ và cơ sở hạ tầng.
Chính phủ Nga cũng đang xem xét các biện pháp kiểm soát giá thực phẩm, nhưng ý tưởng này hiện vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các hiệp hội ngành công nghiệp thực phẩm.
“Kiểm soát giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Thay vào đó, chúng ta cần đầu tư vào nghiên cứu giống cây trồng và hỗ trợ nông dân”, ông Ivan Kuznetsov, đại diện Liên đoàn Nông nghiệp Nga, nói.
Một số giải pháp khác đang được thảo luận bao gồm tăng cường chất lượng giống khoai tây nội địa. Chính phủ Nga đang hợp tác với các viện nghiên cứu để tạo ra các giống khoai tây kháng bệnh và chịu hạn tốt hơn. Giới chức cũng xem xét trợ cấp phân bón, nhiên liệu và máy móc cho nông dân để giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, Nga đã tăng cường nhập khẩu khoai tây từ các nước như Belarus, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích nông nghiệp bền vững, ưu tiên áp dụng công nghệ tưới tiêu và canh tác thông minh để giảm phụ thuộc vào thời tiết.
Lượng khoai tây nhập khẩu vào Nga dự kiến tăng gần gấp đôi trong năm 2025 để bù đắp thiếu hụt, nhưng chi phí nhập khẩu cao lại đẩy giá bán lẻ tăng lên.
Giới quan sát cho rằng khủng hoảng giá khoai tây hiện nay không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là lời cảnh báo về những thách thức lớn hơn mà Nga phải đối mặt trước tình trạng biến đổi khí hậu, phụ thuộc nhập khẩu và sự bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong khó khăn cũng ẩn chứa cơ hội. Các chuyên gia Nga cho rằng nước này có thể tận dụng bối cảnh này để đầu tư vào nông nghiệp hiện đại và tự chủ hạt giống, giúp khoai tây giữ vững vai trò là biểu tượng văn hóa, thậm chí trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Phong Lâm (Theo K-Politika, Zamin)