
Cầu Ngự Hà, còn gọi là cầu Kho, nay đã 205 năm tồn tại – Ảnh: THÁI LỘC
Sông xưa rày đã nên… hồ
Đô thành Phú Xuân thời các chúa Nguyễn nằm trên địa cuộc giữa hai con sông nhánh của sông Hương là Bạch Yến và Kim Long. Người ta gọi là Vương đảo.
Sau khi giành được vương quyền, Nguyễn Thế Tổ – Gia Long chọn khu vực này để xây dựng Kinh thành của vương quốc. Người xưa xây dựng sông Vua (Ngự Hà) với những đoạn thẳng nối nhau, băng qua Kinh thành.
Hai con sông xưa được lấp một số đoạn để xây dựng hệ thống kinh thành, chỉ một ít đoạn sông Kim Long nguyên thủy còn giữ trong lòng Ngự Hà. Phần lớn hai con sông, số đoạn thì được san lấp lấy mặt bằng, số trở thành hồ ao và tiếp tục được sử dụng hữu ích trở về sau.
Một trong hai con sông chảy ngang cuộc đất Kinh thành Huế là sông Bạch Yến, dấu vết trên thực địa ngày nay còn khá rõ. Đó là dãy hồ chạy song song với mặt bắc trong bờ thành. Tính từ thượng nguồn có thể kể: hồ Tây, hồ Khám, hồ Bèo (Hữu Bảo), hồ Tiền (Tiền Bảo), hồ Vuông, hồ Chùa…
Trong khi đó, dấu tích sông Kim Long đa dạng hơn nhiều. Nổi tiếng hơn cả là khu vườn ngự hồ Tịnh Tâm, khu Tàng Thư – lưu trữ quốc gia ở hồ Học Hải và đoạn cuối Ngự Hà đổ ra sông Đông Ba được sách Đại Nam nhất thống chí chép rõ.
“Nhìn trên các bản đồ vẽ Kinh thành xưa nay cũng như trên thực địa, chúng ta thấy từ hồ Lấp còn có một dãy hồ khác nằm nối tiếp như hồ Võ Sanh, hồ Tân Miếu, hồ Sấu… hướng về phía hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải.
Điều này chứng tỏ rằng có thể dòng sông Kim Long ngày xưa đã từng chảy qua những nơi đó”.
Theo các nhà nghiên cứu, vết tích sông Kim Long xưa tính theo “vệt” trong Kinh thành Huế, có thể kể: hồ Lấp, hồ Công Chúa, hồ Võ Sanh, hồ Tân Miếu, hồ Sấu, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, hồ Nhơn Hậu, hồ Phú Văn, hồ Hỏa Pháo, hồ Tể Sanh và một phần đoạn cuối Ngự Hà…
Như vậy, diện tích lòng sông Kim Long ngày xưa ngăn cách đô thành Phú Xuân của chúa Nguyễn ở hữu ngạn và một số làng mạc ở tả ngạn đã bị lấp là rất lớn.
Dễ có đến cả ngàn ngôi nhà đang sinh sống trên đó. Không biết có ai sống trên những đoạn sông lấp xa xưa ấy từng có lần nghe tiếng ếch rồi “giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” hay không?
Xây cầu để lại cho muôn năm
Việc đào Ngự Hà thời Gia Long chỉ từ đoạn hạ nguồn đến Trường ĐH Nông Lâm hiện nay. Năm 1825, vua Minh Mạng “tiếp tục đào sông Ngự Hà. Lấy hơn 4.000 quan tiền kho, sai vệ úy Nguyễn Văn Lộc thuê dân làm”.
Công việc đào, đắp và nạo vét sông Vua thực hiện cho đến năm 1836 vẫn còn. Ngoài dân binh địa phương, nhà vua còn “tận dụng” lính tráng Hà Nội trong lần về kinh đô thao diễn, sai đào đắp Ngự Hà.
Lần này vua thưởng công rất hậu. Người có chút chức tước còn được dự yến tiệc và xem nhạc cung đình.
Cùng với việc đào đắp Ngự Hà, vua cho xây cầu kiên cố để lại cho muôn năm. Ngày nay trên con sông Vua đoạn trong Kinh thành, ngoài hai “pháo đài cầu” Đông – Tây Thành Thủy Quan, còn lại ba chiếc cầu vòm (nghê kiều) được xây kiên cố bằng gạch đá.
Đó là các cầu: Ngự Hà (Kho), Khánh Ninh và cầu Vĩnh Lợi. Điều ít ai biết là từ 200 năm trước, hai trong số ba cây cầu nói trên được làm theo lối “thượng gia hạ kiều”, trên có nhà gỗ lợp mái để người đi đường trú chân mưa nắng.
Xưa hơn cả là cầu Ngự Hà, với ba vòm thông thủy bằng đá trên thân gạch vồng cong tuyệt đẹp đến nay tròn 205 tuổi. Vua Minh Mạng viết nơi đây “đã từng bắc cầu gỗ để qua lại.
Đến năm Canh Thìn, Minh Mạng nguyên niên, trẫm nghĩ rằng ở Kinh thành tụ họp nhiều nhà cửa, người và ngựa đi trên đường cái ngày đêm, chất gỗ khó tồn tại lâu dài cho nên đổi làm cầu đá, đó là kế chỉ làm một lần mà được nhàn rỗi lâu dài”.
Lần xây kiên cố này, người xưa “làm nhà trên cầu để hành khách trú chân trong khi mưa nắng”.
Năm 1825, vua cho xây cầu Khánh Ninh. Vua viết văn bia: “Khi đó sông đã thông ghe thuyền nhưng trên đường cái người và ngựa đi lại, không thể không xây cầu để qua sông. Bèn xây cầu đá… đặt tên là cầu Khánh Ninh”. Năm 1826, vua tiếp tục cho xây dựng cầu đá Vĩnh Lợi.
Vua cho rằng: “Mặc dù kinh phí lên đến cả chục vạn nhưng nào có tiếc, vì có thể để lại cho muôn năm, ban ơn cho hàng triệu người nên cũng không thể không làm”. Cầu Vĩnh Lợi được triều kế Thiệu Trị dựng nhà 11 gian lợp ngói che mưa nắng…

Hồ Tịnh Tâm vốn là khu vườn ngự hình thành từ việc ngăn dòng Kim Long xưa – Ảnh: NHẬT LINH
Tham vọng về chốn phồn hoa đô hội
Sau khi hình thành tuyến đường thủy Ngự Hà, vua Minh Mạng đã có tham vọng biến Kinh thành trở thành chốn phồn hoa đô hội, trên bến dưới thuyền, mua bán sầm uất.
Vua bàn với bộ Hộ nghĩ cách đưa dân Minh Hương vốn giỏi buôn bán về kinh lập nên phường hội và chọn đôi bờ Ngự Hà hai bên cầu Vĩnh Lợi để xây dựng dãy nhà phố 332 gian với ít nhất 18 gian nhà lầu mái lợp ngói nhằm biến tham vọng nói trên thành hiện thực.
Để khuyến khích công việc, mở mang dịch vụ, triều đình miễn thuế trong ba năm cho người Minh Hương. Thế nhưng nhiều người Minh Hương hoặc tìm lý do đối phó hoặc thuê người nghèo trá hình thay thế. Vì vậy nhà vua đuổi bỏ hết.
Sách Đại Nam thực lục viết: “Vua dụ bộ Hộ rằng: “Bãi việc cho người Minh Hương làm phố hộ ở Kinh sư. Kinh sư là chỗ đô hội, năm trước đã cho mở chợ đặt phường ở phía tây bắc ngoài hoàng thành và chọn lấy những người Minh Hương giàu có ở các hạt cho đem gia quyến đến ở sung làm hộ phố.
Đó là muốn cho thuyền xe tấp nập, hàng hóa dồi dào, đem chỗ có đến chỗ không, vốn là vì giàu của lợi dân mà làm, lại thương cho họ chuyển đi vất vả, miễn thuế ba năm.
Nay nghe nói bọn họ quyến luyến chỗ cũ, ngại việc di cư, lại thuê người nghèo thay thế đến nỗi thường thường có người bỏ trốn. Vậy thì bãi đi, đều đuổi về nguyên quán, đánh thuế như cũ”.
Sử không nêu lý do người Minh Hương thờ ơ việc buôn bán, lập phường hội ven Ngự Hà trong Kinh thành Huế.
Tuy nhiên xem những luật lệ, cấm đoán, tra xét nghiêm ngặt của điển chế triều Nguyễn đối với khu vực Thành nội sẽ thấy sự không mặn mà của những giới sành sõi kinh doanh là điều dễ hiểu.
Việc bảo vệ Kinh thành rất nghiêm ngặt, tra soát kỹ càng. Các cửa, kể cả đường thủy đóng kín từ 9h tối đến gần 5h sáng. Người không được ngồi đứng, nhìn ngắm, chơi đùa, để củi, gỗ, gạch trên các cầu. Thuyền bè không được buộc dựa dưới cầu.
Người trong Kinh thành gần như đi nhẹ, nói khẽ, tránh tụ tập đông đúc hỗn tạp; cưỡi ngựa cũng phải giữ cương đi thong thả.
Dân trong Kinh thành không được gõ thanh la, đánh trống, thổi còi. Hành động, cử chỉ và phục trang khác lạ đều không được chấp nhận. Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Tất cả những điều cấm kỵ kể trên xem ra đã triệt tiêu tham vọng về một phố thị sầm uất trong lòng Kinh thành Huế.
“Kinh sư là nơi vua ở, phải nên trấn tĩnh nghiêm túc. Gần đây có bọn tiểu nhân ngông cuồng, khoa chân múa tay làm ồn ào. Bọn giám thủ cũng công nhiên buông thả, không chịu đàn áp.
Vậy cho lập tức trách phạt các viên suất đội giám thành đều 50 roi để tỏ sự răn đe và dạy cho từ nay về sau trong Kinh thành có những đồ vô lại, mặc quần áo lạ, nói càn thì lập tức đuổi ra, không được qua lại hỗn tạp để trọng Kinh sư, và làm cho con đường nhà vua được trong sạch” – vua Minh Mạng.
__________________________
Vừa là cầu vừa là pháo đài, Đông – Tây Thành Thủy Quan là hai cụm kiến trúc đặc biệt nằm hai đầu sông Vua băng ngang Kinh thành. Chúng đều nằm trung tâm của hai cụm phòng thủ trọng yếu của triều đình xưa.
Kỳ tới: Pháo đài cầu