Việt Nam phấn đấu tăng nhanh đào tạo STEM, trong đó 80.000 người tốt nghiệp mỗi năm ở nhóm công nghệ thông tin – truyền thông, theo mục tiêu của Chính phủ.
Nội dung nằm trong đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035, định hướng tới năm 2045, do Phó thủ tướng Lê Thành Long ký ngày 24/5.
Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam quy mô đào tạo trình độ cao khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) đạt 35% ở mỗi bậc đào tạo. Trong đó, ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% liên quan công nghệ số.
Hồi tháng 3, theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, tỷ lệ sinh viên học các ngành STEM ở bậc đại học hiện đạt 28-30%, tương đương 600.000 người. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt một triệu sinh viên.
Trong đó, 80.000 người tốt nghiệp mỗi năm các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông, tăng khoảng 30.000 so với hiện nay. Ít nhất 10% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ.
Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 8.000 người một năm. Tất cả chương trình cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ thuộc khối STEM được tích hợp kiến thức, kỹ năng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Định hướng tới năm 2045, nhân lực STEM chất lượng cao trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực công nghệ chiến lược. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được xếp vào nhóm hàng đầu châu Á trong đào tạo và nghiên cứu STEM, nhất là các ngành về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, hồi tháng 1. Ảnh: HUST
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư giáo dục STEM, hỗ trợ tài chính cho người học như điều chỉnh tín dụng ưu đãi, mở rộng nhóm vay, giảm lãi suất, tăng mức vay và thời hạn trả nợ, có ưu đãi đặc biệt với các ngành STEM.
Một số giải pháp khác là đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, thu hút giảng viên giỏi, đầu tư cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, công nghệ, học liệu), hợp tác quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.
Chính phủ cũng yêu cầu triển khai các chương trình đào tạo tài năng, trong đó có 100 chương trình kỹ sư, thạc sĩ và 100 chương trình tiến sĩ tài năng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng, ban hành chuẩn các chương trình này.
Đối thoại với thanh niên hồi tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Việt Nam chưa phát triển toàn diện các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và xu thế thời đại.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người học phát huy đam mê và thế mạnh; chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng, lấy nhà trường làm nền tảng, thầy cô làm động lực và học sinh, sinh viên làm trung tâm.
Dương Tâm