Như thông tin Thanh Niên đã đưa, vụ việc một du khách lẻn vào khu vực giới hạn của điện Thái Hòa (Đại nội Huế) bẻ gãy tay ngai, có chạm khắc đầu rồng của ngai vàng triều Nguyễn, bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại nội điện khiến dư luận cả nước bất bình.
Điều đáng buồn nữa đây chính là chiếc ngai nguyên bản của triều Nguyễn còn được bảo tồn nguyên vẹn từ thời Gia Long đến nay.

Người dân chụp ảnh với ngai vàng triều Nguyễn trong ngày công bố hoàn thành dự án bảo tồn tu bổ điện Thái Hòa tại Đại nội Huế
ẢNH: BÙI NGỌC LONG
Sau sự cố, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật, đồng thời đưa chiếc ngai phục chế đến trưng bày tạm tại điện Thái Hòa phục vụ du khách.
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, thời gian tới sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân để cùng đánh giá và lập phương án tu sửa phù hợp; đồng thời có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.

Cận cảnh ngai vàng triều Nguyễn trong ngày công bố hoàn thành dự án bảo tồn tu bổ điện Thái Hòa tại Đại nội Huế
ẢNH: HOÀNG LÊ
Ngai vua triều Nguyễn là biểu trưng cao nhất về quyền lực thời quân chủ, cũng là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.

Toàn cảnh khu vực ngai vàng và bửu tán trong ngày công bố hoàn thành dự án bảo tồn tu bổ điện Thái Hòa tại Đại nội Huế
ẢNH: HOÀNG LÊ
Theo đó, ngai vàng triều Nguyễn được chế tác dưới thời vua Gia Long (1802-1819), sau đó được sử dụng xuyên suốt trong thời Nguyễn với tổng cộng 13 đời vua, kéo dài trong 143 năm.
Ngai vàng của vua không phải được làm từ vàng hoàn toàn, mà bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Ngai vua được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa, nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch, cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình, như: lễ đăng quang, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần…
Ngai vàng từng được trùng tu một lần dưới thời vua Khải Định (1916-1925). Do khi lên làm vua, ông cho làm lại bửu tán phía trên ngai, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo nên vì vậy để đồng bộ, đợt này nhà vua cũng cho trùng tu lại ngai vàng.

Phần tay ngai đầu rồng bị bẻ gãy tại hiện trường
ẢNH: TTBTDTCĐ HUẾ CUNG CẤP
Trong đợt trùng tu tổng thể điện Thái Hòa vừa qua, ngai vàng đã được di chuyển vào kho bảo quản và sau khi công trình trùng tu xong đã được đưa ra trưng bày trở lại. Còn bửu tán phía trên được gia cố để đảm bảo vững chắc, an toàn.
Ngai vua triều Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2015.
Cận cảnh khống chế, bắt giữ người đàn ông phá ngai vàng triều Nguyễn
Ngai vàng triều Nguyễn có thể phục chế nhưng không đảm bảo giá trị nguyên bản
Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế, cho biết, ngai vàng cũng như các cổ vật đồ gỗ cung đình thời Nguyễn phần lớn được sơn son thếp vàng. Loại gỗ được sử dụng cho các cổ vật cung đình ngày xưa phổ biến là gỗ gõ (tên dân gian gỗ gụ). Về sau, có sự xuất hiện của gỗ trắc (tức huỳnh đàn)… Gỗ gõ phân bố phổ biến ở khu vực rừng Đông Nam Á (ở nước ta hiện nay đã hiếm), gỗ quý nhóm 1, gỗ có độ bền cao, cứng chắc, chịu nước, chống mối mọt.
Cũng theo ông Hồ Hữu Hành, ngày nay, các nghệ nhân lành nghề chạm khắc mộc đều có đủ khả năng để làm lại những chiếc ngai tinh xảo không thua gì các bậc thợ tài hoa ngày xưa. Tuy nhiên, giá trị của ngai vàng là giá trị cổ vật có tính chất nguyên bản, nên việc phục chế rõ ràng sẽ không đáp ứng giá trị bảo tồn nguyên bản. Trừ trường hợp đặc biệt như sự cố vừa xảy ra, buộc phải phục chế phần hư hỏng trở lại.

Hình ảnh ông Hồ Văn Phương Tâm (trú tại P.Hương Long, Q. LPhú Xuân, TP.Huế) đang phá hoại ngai vàng mà đoạn clip của du khách ghi lại được
ẢNH CHỤP LẠI TỪ CLIP
Nghệ nhân Phan Cảnh Quang Thuận (52 tuổi, ở P.Thủy Biều, TP.Huế) người phụ trách sơn son thếp vàng cho công trình trùng tu điện Thái Hòa vừa qua, cho biết sơn son được chế ra từ nhựa cây sơn ở núi rừng tây bắc nước ta. Thếp vàng là kỹ thuật trang trí thếp vàng (vàng ta được dát mỏng (hoặc vàng quỳ) dát mỏng lên bề mặt các vật dụng có chạm khắc hoa văn (hoặc thếp toàn bộ) để tạo màu vàng tự nhiên ánh kim bắt mắt và sang trọng. Ngai vàng của nhà vua ngày xưa được thếp vàng ở những chỗ chạm trổ hoa văn và đây là quá trình trang trí rất kỳ công, đòi hỏi thợ có tay nghề cao.