Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được thảo luận tại hội trường và bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung được đề xuất sửa đổi là quy định về phạt tiền không cần lập biên bản.

Chính phủ đề xuất tăng mức tiền tối đa được áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không cần lập biên bản (ảnh minh họa)
ẢNH: NGUYỄN TUÂN
Vì sao tăng mức tối đa phạt tiền không cần lập biên bản?
Theo quy định hiện hành, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng (với cá nhân) và 500.000 đồng (với tổ chức). Người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc mức tối đa của khung tiền phạt đến 1 triệu đồng (với cá nhân), đến 2 triệu đồng (với tổ chức).
Giải thích về sự thay đổi nêu trên, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết quy định cho phép xử phạt vi phạm hành chính không phải lập biên bản “thực ra không phải là điểm mới”.
Đây là quy định đã được áp dụng từ nhiều năm nay, nhằm xử lý nhanh các hành vi vi phạm rõ ràng, ít nghiêm trọng, đồng thời giảm áp lực về thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Quá trình xây dựng dự thảo luật sửa đổi, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp) đã rà soát các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Kết quả cho thấy có rất ít hành vi vi phạm có mức phạt từ 250.000 đồng đối với cá nhân (mức phạt được áp dụng thủ tục xử phạt không cần lập biên bản – PV).
“Điều này cho thấy quy định hiện tại phần nào đã trở nên lạc hậu so với thực tế quản lý và không còn nhiều giá trị thực tiễn”, ông Huy nói.
Để phù hợp với tình hình thực tế, dự thảo đề xuất tăng mức tối đa được áp dụng thủ tục phạt tiền không cần lập biên bản như đã nêu. Ông Huy nhận định, mức điều chỉnh này là phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, khi mặt bằng thu nhập và chi tiêu của người dân đã thay đổi đáng kể so với thời điểm ban hành các quy định trước đây.

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được nhận định giúp giảm áp lực về thủ tục hành chính
ẢNH: T.N
Tăng thẩm quyền có tăng nguy cơ tiêu cực?
Trước đề xuất tăng mức tối đa được áp dụng thủ tục phạt tiền không cần lập biên bản, nhiều ý kiến băn khoăn việc này liệu có nguy cơ phát sinh tiêu cực, “phạt tiền mà không lập biên bản thì lấy gì chứng minh, kiểm soát quá trình xử lý vi phạm?”.
Theo Cục trưởng Hồ Quang Huy, dù phạt tiền không cần lập biên bản nhưng thủ tục này vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý, bao gồm: phải có quyết định xử phạt, lưu hồ sơ theo dõi, có căn cứ rõ ràng…
Người bị xử phạt vẫn được đảm bảo quyền khiếu nại, yêu cầu cung cấp thông tin hoặc phản ánh nếu thấy có sai sót.
“Đây không phải là sự nới lỏng về trách nhiệm pháp lý hay thu hẹp quyền công dân, mà là một điều chỉnh kỹ thuật hợp lý, phù hợp thực tiễn, giúp quá trình xử lý vi phạm hành chính trở nên linh hoạt, tiết kiệm nguồn lực nhưng vẫn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật”, ông Huy khẳng định.
Ủng hộ đề xuất của Chính phủ, luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết hiện có 2 thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, gồm xử phạt không lập biên bản và xử phạt có lập biên bản.
Trong đó, xử phạt không lập biên bản thường được áp dụng với các vụ việc vi phạm đơn giản, rõ ràng, không có tình tiết phức tạp. Người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Quyết định được giao cho người vi phạm. Người vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt phải giao chứng từ thu tiền phạt cho người nộp tiền phạt, đồng thời phải nộp tiền phạt trực tiếp vào kho bạc nhà nước.
Đối với thủ tục xử phạt có lập biên bản, quy trình sẽ phức tạp hơn, với các bước như lập biên bản vi phạm hành chính, xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm, ra quyết định xử phạt, gửi quyết định xử phạt cho người vi phạm để thi hành…
Như vậy, thủ tục phạt tiền không lập biên bản thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả người vi phạm và người thi hành công vụ.
Vẫn theo luật sư, một số người đang có sự nhầm lẫn giữa việc phạt tiền không cần lập biên bản và thu tiền phạt mà không có biên lai, giấy tờ.
“Không lập biên bản nhưng vẫn phải có quyết định xử phạt tại chỗ, nếu nộp tiền ngay thì phải có phiếu thu xác nhận, chứ không có nghĩa người xử phạt nhận rồi đút vào túi riêng”, luật sư nói.
Vị luật sư cũng nhấn mạnh thêm, thủ tục phạt tiền không cần lập biên bản chỉ áp dụng với các hành vi vi phạm ít nghiêm trọng, đã rõ ràng, người vi phạm thừa nhận hành vi, chấp nhận nộp phạt ngay.
Nếu vụ việc vi phạm phức tạp, người vi phạm không đồng ý, người có thẩm quyền xử lý buộc phải thực hiện thủ tục xử phạt có lập biên bản vi phạm hành chính. Do đó, quyền ý kiến, khiếu nại… của người vi phạm vẫn được bảo đảm theo quy định.