Bạn nghĩ rằng xác ướp sẽ có mùi hôi khó chịu? Theo các nhà khoa học thì bạn đã sai rồi.
Một nghiên cứu từ Đại học College London (UCL) và Đại học Ljubljana (Slovenia) cho biết các xác ướp Ai Cập cổ đại tỏa ra mùi gỗ, cay và thậm chí là ngọt.
Tiến sĩ Cecilia Bembibre thuộc Trường Môi trường, Năng lượng và Tài nguyên Bartlett của UCL cho biết nghiên cứu này đã giúp họ hiểu rõ hơn về quá trình ướp xác.
Bà cho biết:“Chúng tôi tìm thấy mùi tương ứng với các loại dầu thực vật, chẳng hạn như tuyết tùng và cây bách xù. Chúng tôi cũng tìm thấy rất nhiều hóa chất chỉ ra nhựa như nhũ hương và mộc dược. Chúng tôi tìm thấy các loại gia vị như quế, chẳng hạn, và cả mùi gỗ và gỗ đang mục nát. Và điều này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về loại vật liệu đã được sử dụng và cách mà một số vật liệu đến được với chúng ta hàng ngàn năm sau đó”.

Các nhà khoa học thu thập không khí trong các quan tài chứa xác ướp Ai Cập
ẢNH: ABSCBN
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu thu thập các mẫu không khí từ quan tài của 9 xác ướp tại Bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo.
Sau đó, một máy quang phổ khối sắc ký khí đã được sử dụng để xác định các hóa chất riêng biệt có trong các mẫu không khí đó. Một nhóm chuyên gia đánh giá sẽ mô tả chất lượng, cường độ và mức độ dễ chịu của mùi.
Tiến sĩ Bembibre cho biết phương pháp này không xâm lấn và không phá hủy, cho phép phân tích các di vật cổ đại trong khi vẫn bảo quản chúng một cách tốt nhất.