Lộ diện hành tinh lùn mới ở rìa hệ mặt trời

Lộ diện hành tinh lùn mới ở rìa hệ mặt trời

bởi

trong
Lộ diện hành tinh lùn mới ở rìa hệ mặt trời

Một số hành tinh lùn của hệ mặt trời

ảnh: nasa

Trái đất vừa được xác nhận có láng giềng mới ở hệ mặt trời, theo báo USA Today hôm 24.5. Tuy nhiên, thiên thể trên, nhiều khả năng là hành tinh lùn như Pluto và được đặt tên là 2017 OF201, không phải là khách viếng thăm địa cầu thường xuyên. 

Nằm ngoài phạm vi Hải Vương tinh, 2017 OF201 ước tính phải mất khoảng 25.000 năm mới có thể hoàn thành vòng quay quanh mặt trời.

Hành tinh lùn đã được khám phá nhờ vào công của các nhà nghiên cứu do nhà vật lý học thiên văn Sihao Cheng thuộc Viện Nghiên cứu Nâng cao (IAS, Mỹ) dẫn đầu.

Nhóm của ông tìm được thiên thể mới trong lúc phân tích cơ sở dữ liệu hình ảnh thiên văn học của những Đối tượng đi qua quỹ đạo của Hải Vương tinh (TNO).

Trưởng nhóm Cheng mô tả 2017 OF201 có kích thước bằng 1/3 Pluto, tức kích thước vừa đủ để liệt vào danh sách các hành tinh lùn. Phạm vi quỹ đạo của nó cực rộng, và được xem là “họ hàng xa lắc” của Pluto.

Quỹ đạo cực hạn của hành tinh lùn khó phát hiện

“Điểm viễn nhật của thiên thể, tức vị trí xa nhất của quỹ đạo tính từ mặt trời, gấp hơn 1.600 lần của quỹ đạo trái đất”, ông Cheng trình bày trong báo cáo đăng trên website IAS. “Trong khi đó, điểm cận nhật, điểm gần nhất trên quỹ đạo tính từ mặt trời, gấp 44,5 lần so với điểm của quỹ đạo trái đất, tương tự như quỹ đạo của Pluto”, theo báo cáo.

Các nhà nghiên cứu đã xác nhận sự tồn tại của 2017 OF201 nhờ vào việc sử dụng 19 lần quan sát của các cơ sở dữ liệu thiên văn khác nhau được ghi nhận trong hơn 7 năm. Trung tâm Tiểu Hành tinh của Liên minh Thiên văn Quốc tế chính thức công bố phát hiện về thiên thể mới vào ngày 21.5.

Quỹ đạo cực hạn của 2017 OF201 đồng nghĩa chỉ có 1% cơ hội phát hiện ra thiên thể này. Việc tìm ra 2017 OF201 bên ngoài Vành đai Kuiper, cho thấy khu vực đó có lẽ không hoang vắng như vẫn tưởng.

Quỹ đạo của 2017 OF201 cũng cung cấp manh mối rằng thiên thể “đã phải trải qua những sự tiếp xúc gần với một hành tinh khổng lồ, khiến nó bị tống ra xa trên một quỹ đạo căng cực rộng”, theo thành viên đội ngũ nghiên cứu Eritas Yang, đang tham gia chương trình sau đại học của Đại học Princeton (Mỹ).

Khám phá hành tinh lùn mới ở rìa hệ mặt trời - Ảnh 2.

Sơ đồ cho thấy vị trí hiện tại của Hải Vương tinh, Pluto và 2017 OF201

ảnh: IAS

Thách thức cho giả thuyết Hành tinh X

Sự xuất hiện của thiên thể mới có thể thách thức giả thuyết về “Hành tinh X” hoặc “hành tinh thứ 9” tồn tại ngoài phạm vi của Hải Vương tinh.

Điều này do quỹ đạo của 2017 OF201 “nằm hoàn toàn bên ngoài các thiên thể TNO có thể quan sát được”, vốn được cho là chứng cứ về sự tồn tại của một hành tinh xa xôi và chưa từng được tìm thấy.

“Sự tồn tại 2017 OF201 có thể dẫn đến kết luận rằng Hành tinh thứ 9, hay Hành tinh X, không tồn tại”, một thành viên khác của nhóm tên Jiaxuan Li, đang theo đuổi chương trình sau đại học của trường Princeton.

Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu vẫn tiếp diễn. “Tôi hy vọng rằng hành tinh số 9 sẽ tìm được, vì điều đó thú vị hơn nhiều”, trưởng nhóm Cheng chia sẻ với New Scientist.