Chùa An Phú (còn được biết đến với tên gọi chùa Miểng Sành) là một trong những ngôi cổ tự với lịch sử gần 180 năm, diện tích khoảng 1.500m2. Điểm độc đáo nhất của chùa An Phú (24 Chánh Hưng, P.10, Q.8) là gần như toàn bộ bề mặt công trình được trang trí bằng hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu từ chén, bát, dĩa, ấm trà bị vỡ.
Với kỹ thuật trang trí công phu, tinh xảo, ngôi chùa không chỉ là một nơi thờ tự mà còn là một điểm đến du lịch và chiêm ngưỡng nghệ thuật độc đáo.

Chùa An Phú nằm gần cầu Chánh Hưng, thuộc hệ phái Bắc Tông
ẢNH: LONG HIẾU

Chùa cổ An Phú gây ấn tượng mạnh bởi ánh sáng lấp lánh phát ra từ hàng ngàn mảnh sành, sứ được trang trí khắp nơi, phản chiếu rực rỡ dưới nắng
ẢNH: LONG HIẾU

Ngôi chùa được khảm bằng hàng ngàn mảnh sành, sứ từ ấm trà, chén, bát, bình, dĩa…
ẢNH: LONG HIẾU

Khu thờ tự nằm dọc theo đường Chánh Hưng; khu giảng đường, tăng phòng, khách đường… phía sau chùa
ẢNH: LONG HIẾU

Khu vực phía ngoài chùa
ẢNH: LONG HIẾU
Hòa thượng Thích Hiển Đức – thầy trụ trì chùa An Phú cho biết, ngôi chùa được hòa thượng Thích Thanh Đức sáng lập và bắt đầu cho xây dựng vào năm 1847. Tính đến nay, chùa đã trải qua 6 đời trụ trì. Năm 1961, dưới sự chủ trì của hòa thượng Thích Từ Bạch, chùa An Phú trải qua lần trùng tu quan trọng nhất.
Trong quá trình trùng tu, hòa thượng Thích Từ Bạch đã khởi xướng ý tưởng sử dụng những mảnh sành, sứ phế liệu để trang trí chùa. Các mảnh gốm được đập vỡ và chỉnh sửa để tạo góc cạnh và kích thước phù hợp sau đó được lắp ghép lên tường, cột và cầu thang, tạo thành các hình tượng như Phật Di Lặc, Quán Thế Âm Bồ Tát, chữ Vạn, hoa sen… Công việc do chính chư tăng trong chùa đảm nhận.
Sau khi hòa thượng Thích Từ Bạch viên tịch năm 1993, công việc trùng tu và trang trí bằng mảnh sành, sứ tiếp tục được hòa thượng Thích Hiển Đức đảm nhiệm. Theo thống kê của chùa, từ năm 1961 đến 2004, đã có hơn 30 tấn sành sứ phế liệu được sử dụng, với khoảng 20.000 ngày công.

Các mảnh sành, sứ cũ từ ấm trà, đĩa, tô, bình… được sử dụng khắp các khu vực trong chùa
ẢNH: LONG HIẾU

Họa tiết được chạm khắc tỉ mỉ, thể hiện sự công phu và tinh tế
ẢNH: LONG HIẾU

Bậc thang cũng được chạm khắc bằng nhiều mảnh sành sứ
ẢNH: LONG HIẾU

Việc sử dụng “phế liệu” để tạo nên một công trình đẹp và bền vững là phép ẩn dụ sinh động cho sự chuyển hóa và tái sinh, những giá trị cốt lõi trong giáo lý Phật giáo
ẢNH: LONG HIẾU
Năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức xác lập kỷ lục cho chùa An Phú là “Ngôi chùa được tạo tác bằng miểng sành nhiều nhất Việt Nam”. Ngoài ra, chùa An Phú còn sở hữu cặp nến có kích thước khổng lồ, cũng được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Cặp nến chạm rồng nặng hơn 1.800 kg, cao 3,4 m, được xác nhận là cặp nến cao và nặng nhất Việt Nam năm 2005
ẢNH: LONG HIẾU

Thông tin đóng góp cúng dường của khách thập phương và phật tử được ghi chép cẩn thận
ẢNH: LONG HIẾU

Phật tử đến vãn cảnh chùa, thắp hương khá đông vào các ngày rằm và dịp lễ tết
ẢNH: LONG HIẾU

Chị Nguyễn Tùng Lan (43 tuổi, ngụ tại Q.8) chia sẻ: “Tôi thường tranh thủ những ngày rảnh ghé chùa, mang theo trái cây để cúng. Chùa không chỉ là công trình kiến trúc tâm linh độc đáo mà còn là chốn thanh tịnh, được nhiều bà con lui tới thường xuyên”
ẢNH: LONG HIẾU