Có một lần mẹ tôi bảo: “Mỗi người tắt đi một bóng đèn không cần thiết, là cả thành phố mình sẽ nhẹ đi được một nhịp thở.” Khi ấy tôi mới học lớp 7, chưa hiểu hết ý mẹ, nhưng câu nói ấy đã ở lại mãi trong tôi như một lời nhắc nhẹ nhàng, mỗi khi tôi đứng dậy khỏi bàn học.

Điều tôi không ngờ là, từ một người vô tư với điện, tôi dần trở thành người truyền thói quen tiết kiệm điện cho người khác
Ảnh: TGCC
Ngày trước, tôi từng vô tư để điện sáng trưng suốt cả đêm chỉ vì “sợ tối”. Tôi bật máy lạnh 16 độ C giữa mùa hè rồi đắp mền dày, nghĩ đơn giản là mình đang “thoải mái”. Cái cảm giác điện là thứ “sẵn có”, muốn dùng bao nhiêu cũng được, từng khiến tôi mù mờ trước hậu quả của sự lãng phí. Chỉ đến một hôm mất điện cả buổi chiều giữa tháng tư oi ả, tôi mới bắt đầu nghĩ khác. Mồ hôi mẹ nhỏ giọt trên trán khi bà đang nấu ăn dưới bếp, chiếc quạt tay làm bằng bìa cứng liên tục phe phẩy mà không xua nổi cái nóng.
Tôi bỗng thấy thương mẹ quá đỗi. Và tôi bắt đầu thay đổi…
Tiết kiệm điện trở thành chuyện tử tế
Tôi tập thói quen rút phích cắm khi không dùng thiết bị, chuyển sang bóng đèn LED, tắt máy tính, tivi ngay sau giờ học, và giảm thời gian sử dụng điều hòa. Ban đầu, tôi cũng hơi ngại, vì phải thay đổi nhịp sống quen thuộc. Nhưng rồi tôi nhận ra: thói quen mới không làm mình bất tiện, mà giúp mình sống tỉnh táo hơn.
Tôi bắt đầu lên danh sách “thiết bị nào thật sự cần thiết”, dán nhãn từng ổ cắm để dễ quản lý. Tôi cài ứng dụng đo tiêu thụ điện, đặt nhắc nhở “tắt thiết bị khi rời khỏi nhà”. Phòng trọ nhỏ của tôi giờ không còn ánh đèn thừa, chỉ còn sự ấm áp vừa đủ, nhẹ nhàng. Hóa đơn tiền điện giảm gần 1/3, làm tôi không khỏi mỉm cười mỗi cuối tháng.
Điều tôi không ngờ là, từ một người vô tư với điện, tôi dần trở thành người truyền thói quen này cho người khác. Bạn cùng phòng bắt đầu hứng thú với ý tưởng “sống xanh trong phòng trọ”, còn mẹ tôi – người ngày xưa hay la tôi “xài điện như phá”, giờ lại khoe với hàng xóm: “Con gái tôi ý thức lắm, không để đèn sáng cả ngày như xưa đâu!”.
Tôi cũng mang câu chuyện tiết kiệm điện của mình đi chia sẻ trong những buổi sinh hoạt Đoàn. Bạn vừa nghe xong về cho áp dụng liền, mua ổ điện có công tắc riêng để dễ bật tắt. Có chị đồng nghiệp thì kể: “Lúc đầu nghĩ tiết kiệm điện là chuyện nhỏ, sau nghe em nói mới thấy đó là chuyện tử tế mỗi ngày”.
Tiết kiệm điện – nghe tưởng chừng là hành động đơn lẻ, nhưng thật ra đó là lối sống gắn liền với ý thức, là trách nhiệm nhỏ góp phần tạo nên những thay đổi lớn. Trong thời đại mà từng kWh điện tiêu hao là từng giọt mồ hôi của người công nhân ngành điện, là từng phần tài nguyên thiên nhiên bị vơi đi – việc tiết kiệm không còn là lựa chọn, mà là cần thiết.

Từng kWh điện tiêu hao là từng giọt mồ hôi của người công nhân ngành điện, là từng phần tài nguyên thiên nhiên bị vơi đi – việc tiết kiệm không còn là lựa chọn, mà là cần thiết
Ảnh: THANH THIỆN
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành “người truyền cảm hứng” từ một chiếc công tắc. Nhưng hóa ra, chỉ cần tắt đi một thiết bị không cần thiết, tôi đã vô tình bật lên được một nhận thức mới, một nếp sống bền vững hơn cho bản thân – và cho cả những người xung quanh.
Chỉ một cú tắt đơn giản, nhưng nếu được thực hiện bằng hiểu biết, sự kiên trì và tình yêu với mái nhà chung mang tên Trái đất – thì cú tắt ấy sẽ có thể thắp sáng được cả tương lai.
130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân
Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 “An toàn – Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia” năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.
Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan – để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.
Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.
Gửi bài qua email: [email protected].
Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM.
(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn
