Thông tin nêu trên được Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam nêu ra tại Hội nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động thủ đô năm 2025, diễn ra chiều 28.5.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam phát biểu tại hội nghị
ẢNH: HỮU HƯNG
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Chu Xuân Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc P.Giảng Võ (Q.Ba Đình, Hà Nội), phản ánh khi tiến hành bỏ cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã thì sẽ dư thừa cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Vì vậy, ông Thịnh thắc mắc UBND TP.Hà Nội sẽ có giải pháp gì để tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới cho cán bộ bị dôi dư?
Hồi đáp, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Tây Nam cho biết, qua rà soát thì có khoảng 11.000 người lao động, gồm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng không chuyên trách sẽ dôi dư khi Hà Nội thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ chính quyền cấp huyện.
Vì vậy, ngay từ tháng 4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động dôi dư.
Theo ông Nam, kế hoạch giải quyết việc làm đã được xin ý kiến UBND các quận, huyện, thị xã và đang xin ý kiến lần 2 với các sở. Trong kế hoạch sẽ có 2 loại hình hỗ trợ.
Một là hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề bằng việc trình HĐND TP.Hà Nội ban hành nghị quyết. Trong đó, đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ trích kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Riêng phần kinh phí đào tạo nghề còn thiếu thì thành phố sẽ trình HĐND TP.Hà Nội trích bổ sung để người lao động được học nghề.
Hai là các trường hợp không được hưởng kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí để đào tạo nghề.
Về giải quyết việc làm cho cán bộ dôi dư, theo ông Nam, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức các phiên, các sàn giao dịch việc làm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đặc biệt, Sở Nội vụ sẽ cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Tài chính trình Chủ tịch Hà Nội bố trí thêm nguồn ngân sách để các trường hợp sẽ thôi việc được vay để giải quyết việc làm.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội từ 526 phường, xã, thị trấn sẽ chỉ còn 126 xã, phường, giảm 400 đơn vị.
Cùng với cả nước, các đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội sẽ kết thúc hoạt động từ 1.7, sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 sửa đổi có hiệu lực.