Hồ sơ dự thảo Nghị định Quy định về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo Bộ Công an (cơ quan soạn thảo), việc lập quỹ sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước tập trung cho công tác hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông và những hoạt động đảm bảo an toàn giao thông tự nguyện, chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Bộ Công an đề xuất ngân sách cấp vốn cho quỹ tối thiểu 100 tỷ đồng và được bổ sung hàng năm để bảo đảm duy trì mức 100 tỷ đồng tại thời điểm đầu các năm tài chính.
Giám đốc quỹ là Cục trưởng Cục CSGT, đại diện theo pháp luật của quỹ; được ký hợp đồng theo quy định của pháp luật đối với một số công việc phục vụ hoạt động của quỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Công an.

Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đang thụ lý, làm rõ vụ ô tô BMW X3 tông đứt lìa chân nữ sinh 18 tuổi, ngày 30/5 trên đường Nguyễn Huy Tự (Ảnh: Lê Hà).
Dự thảo đề xuất, mức chi hỗ trợ cho nạn nhân bị thương do tai nạn giao thông với tỷ lệ tổn thương trên 31% đến dưới 81%, gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (thuộc hộ nghèo, cận nghèo) không quá 20 triệu đồng/vụ việc/gia đình có nạn nhân tử vong và không quá 10 triệu đồng/vụ việc/1 người bị thương.
Mức chi hỗ trợ hoạt động hòa nhập cộng đồng và tiếp tục phát triển đối với nạn nhân bị thương có tỷ lệ tổn thương trên 81% không quá 100 triệu đồng/1 người bị thương/lần.
Mức chi hỗ trợ nạn nhân bị thương với tỷ lệ tổn thương trên 31% và gia đình có nạn nhân tử vong khi tham gia khắc phục tai nạn giao thông đường bộ không quá 20 triệu đồng/vụ việc/gia đình có nạn nhân tử vong và không quá 10 triệu đồng/vụ việc/người bị thương.
Mức chi hỗ trợ thăm hỏi đột xuất đối với nạn nhân bị thương và gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí không quá 5 triệu đồng/vụ việc/gia đình có nạn nhân tử vong.
Tổ chức, cá nhân có thành tích trực tiếp giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị tai nạn giao thông đường bộ đi cấp cứu và được UBND cấp xã trở lên hoặc các tổ chức chính trị xã hội khen thưởng sẽ được chi hỗ trợ không quá 10 triệu đồng cho tổ chức và không quá 5 triệu đồng cho cá nhân/vụ việc.
Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/lần diễn tập/năm cho tuyên truyền ứng phó, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vượt quá khả năng khắc phục của địa phương mà nhà nước không đảm bảo kinh phí hoặc đã hỗ trợ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, năm 2022 tai nạn giao thông làm gần 13.500 người tử vong, trên 15.000 người bị thương; năm 2023 có gần 9.800 người tử vong và 12.500 người bị thương; năm 2024 trên 11.000 người tử vong, 17.500 người bị thương vì tai nạn giao thông.
“Trung bình hàng năm con số nạn nhân bị thương vong rất lớn (mỗi năm trên 10.000 người chết, trên 15.000 người bị thương), nếu hỗ trợ cho tất cả nạn nhân bị thương vong trong vụ tai nạn giao thông thì nguồn quỹ thu được nhiều khả năng không đủ chi hỗ trợ”, Bộ Công an lý giải về các đề xuất chi hỗ trợ nêu trên.
Căn cứ vào nội dung chi, mức chi đưa ra tại dự thảo, Bộ Công an dự kiến số tiền hỗ trợ thực tế trung bình mỗi năm tối thiểu là 40 tỷ đồng; trong đó riêng chi hỗ trợ cho các nạn nhân bị thương, gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trên 30 tỷ đồng mỗi năm.
Công khai thông tin
Ngày 31/1 hàng năm, thông tin về hoạt động của Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ sẽ được công khai cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; công bố trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở chính của cơ quan quản lý quỹ.
Nội dung công khai gồm thông tin cơ bản về quỹ, quy chế hoạt động và kế hoạch hoạt động; báo cáo tài chính và báo cáo kết quả hoạt động của quỹ.