Mẹ chồng năn nỉ vay 2 tỷ đồng xây nhà và sự thật khiến tôi suy sụp

Mẹ chồng năn nỉ vay 2 tỷ đồng xây nhà và sự thật khiến tôi suy sụp

bởi

trong

Tôi từng nghĩ mình là người phụ nữ may mắn. Lấy được chồng tốt, con cái ngoan ngoãn, vợ chồng tự lực gây dựng được cơ ngơi ổn định từ hai bàn tay trắng.

Chúng tôi sống riêng, có nhà riêng, xe riêng, cuộc sống độc lập không vướng bận mẹ chồng – nàng dâu. Và cũng bởi thế, tôi từng cảm thấy biết ơn sâu sắc cái gọi là “không phải làm dâu”.

Mẹ chồng tôi là người phụ nữ bảo thủ và xét nét. Bà chưa bao giờ thích tôi, điều đó tôi hiểu. Nhưng tôi không để bụng. Tôi sống đúng bổn phận, quà cáp đủ đầy dịp lễ Tết, gọi điện hỏi han, mời bà sang chơi dù biết mỗi lần bà ghé qua là một lần tôi phải căng mình chịu đựng những lời soi mói như kim châm.

Mẹ chồng năn nỉ vay 2 tỷ đồng xây nhà và sự thật khiến tôi suy sụp

Tôi và mẹ chồng có mối quan hệ mâu thuẫn từ những ngày đầu về làm dâu nhưng mẹ tôi luôn yêu quý em dâu (Ảnh minh họa: TD).

Tôi nghĩ, chỉ cần mình sống tử tế, không làm gì sai, không ai có thể trách cứ mình được. Nhưng tôi đã nhầm.

Mọi thứ bắt đầu khi mẹ chồng tôi bất ngờ ngỏ ý vay tiền, con số không nhỏ – hai tỷ đồng. Lý do bà đưa ra là để xây nhà. Bà hứa khi bán được mảnh đất, bà sẽ trả ngay.

Chồng tôi khi ấy nhất định từ chối nhưng bà quay sang nhìn tôi, nắm tay, ánh mắt thấm đẫm sự khẩn khoản: “Mẹ chỉ tin con thôi, con giúp mẹ. Bây giờ không xây, ít nữa thay đổi nhiều lại khó khăn”.

Tôi mềm lòng. Thật lòng, tôi không nghĩ nhiều. Tôi nghĩ đó là mẹ chồng mình, bà chẳng thể nào lật lọng được. Mà tôi cho vay, đâu phải cho không.

Tôi rút hết toàn bộ tiền tiết kiệm mang sang, không giấy tờ, không ràng buộc bởi lẽ có cả bố chồng, chồng tôi làm chứng.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, mọi thứ thay đổi. Mẹ chồng bắt đầu tránh mặt tôi. Những cuộc điện thoại tôi gọi bị từ chối, những lời hỏi han bị đáp lại bằng thái độ hờ hững.

Tôi ngầm hiểu bà đang ngại. Người vay tiền luôn ngại gặp chủ nợ, kể cả khi chủ nợ là con dâu.

Tôi nhẫn nhịn. Tôi nghĩ, thôi thì chờ thêm thời gian. Nhưng khi chuyện làm ăn của vợ chồng tôi gặp khó khăn, tôi buộc phải tìm đến bà để đòi lại tiền.

Lần đầu, bà nói chưa xoay kịp. Lần hai, bà bảo đợi thêm vài tháng nữa. Lần thứ 3, bà mời tôi trà bánh, ngồi thản nhiên nói: “Tiền đó mẹ tiêu hết rồi con ạ. Một phần xây nhà, phần lớn cho em dâu con mượn làm ăn. Mà giờ nó cũng mất trắng hết rồi. Con đừng mong nữa.

Bao giờ mẹ có, mẹ trả. Còn không coi như con giúp mẹ với các em một tay. Con sống sung sướng, giàu có như vậy, sao phải so đo mấy đồng bạc?”.

Tôi như bị tát thẳng vào mặt. Hóa ra, bà vay tiền cho con dâu út làm ăn, còn chỉ dành 100 triệu đồng  để mua nguyên vật liệu xây nhà.

Hai tỷ đồng  mà mẹ chồng tôi bảo là mấy đồng bạc? Đó là toàn bộ số tiền tôi dành dụm, gom góp từng đồng sau những chuyến hàng khuya, những ngày cặm cụi sổ sách, những năm tháng vắt kiệt mình giữa chợ. Tôi không ngờ, mẹ chồng lại có thể xem nhẹ sự hy sinh đó đến vậy.

Chưa dừng lại ở đó, bà còn đưa ra một điều kiện: “Nếu con đồng ý xóa nợ, mẹ hứa từ giờ sẽ đối xử tốt, thương con như con gái”.

Tôi bật cười. Trong lòng không biết là đắng, là nhục hay là tuyệt vọng nữa.

Tôi kể chuyện với chồng, hy vọng anh sẽ đứng về phía tôi, cùng tôi tìm cách. Nhưng câu trả lời tôi nhận được là: “Anh đã không đồng ý, em tự cho mẹ vay. Em đâu bị ai ép? Bây giờ than thở gì cũng vô ích thôi. Chuyện đã rồi, em mà làm to chuyện là không xong với anh đâu, nát nhà đấy”.

Từ hôm ấy, giữa tôi và mẹ chồng là một khoảng cách không thể lấp đầy. Bà tránh mặt tôi, không nhắc đến tiền, không hỏi han, không nói thêm một lời cảm ơn.

Còn tôi sống trong ấm ức, nuốt từng cơn uất nghẹn vào lòng. Tôi bắt đầu trằn trọc mỗi đêm, tự hỏi: Mình đã sai ở đâu? Sai ở chỗ tin người? Sai ở chỗ là con dâu nên không dám làm căng?

Có người khuyên tôi làm đơn đòi nợ, thuê luật sư, bắt bà ký giấy cam kết. Nhưng tôi biết, nếu làm vậy thì gia đình sẽ tan nát. Mẹ chồng vốn dĩ chưa từng ưa tôi, giờ lại thêm thù hằn.

Chồng tôi chắc chắn sẽ đổ lỗi cho tôi làm lớn chuyện. Và những người xung quanh, họ sẽ nói gì? “Đòi tiền mẹ chồng, vô phúc”…

Cũng có người bảo tôi nên buông bỏ. Hai tỷ đồng  có thể kiếm lại, còn gia đình một khi rạn nứt thì khó mà hàn gắn. Nhưng nói thì dễ, làm được mới khó. Bởi thứ tôi mất không chỉ là tiền, mà là niềm tin, sự tôn trọng.

Có lẽ, mất tiền còn chưa đau đớn bằng việc nhận ra người thân đôi khi là những chủ nợ không bao giờ hoàn trả.

Giờ đây, tôi đứng giữa ngã ba đường: Hoặc đòi lại tiền bằng mọi cách, hoặc im lặng chịu thiệt để không làm to chuyện. Tôi phải làm sao đây?

Góc “Chuyện của tôi” ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: [email protected]. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.