Tại Việt Nam những năm gần đây, phẫu thuật nâng ngực trở thành loại hình thẩm mỹ khá quen thuộc và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh những cơ sở thẩm mỹ uy tín, chất lượng, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm thì nhiều cơ sở phẫu thuật nâng ngực chui cũng ra đời, dẫn đến nhiều trường hợp phụ nữ đi nâng ngực gặp nhiều biến chứng nặng nề.

Thạc sĩ – bác sĩ Hồ Cao Vũ cho biết các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật nâng ngực, bao gồm:
Tụ máu vùng ngực
Ngực tụ máu xảy ra ngay sau phẫu thuật do quá trình bóc tách tạo khoang, cầm máu trong không tốt. Nếu lượng dịch- máu chảy ra ít, loãng cơ thể có thể tự hấp thu được, nhưng nếu lượng máu lớn hoặc tạo cục máu đông cơ thể hấp thu hết gây tụ máu.
Nhiễm trùng ngực
Hầu hết nhiễm trùng sau phẫu thuật xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau mổ, một số trường hợp nhiễm trùng phát hiện muộn sau mổ. Các triệu chứng của nhiễm trùng chị em có thể nhận thấy như ăn không ngon, lạt miệng, sốt, đau vú, đỏ hoặc sưng tấy…
Theo bác sĩ Vũ, khi có những triệu chứng này, chị em nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám sớm. Nếu dùng kháng sinh không kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhân cần được phẫu thuật lại để làm sạch, cấy vi trùng để xác định loại vi trùng, loại bỏ mô bị nhiễm trùng, hoại tử, dẫn lưu dịch và lấy túi ngực ra khỏi cơ thể.
Co thắt bao xơ sau nâng ngực
Bao xơ co thắt là biến chứng phổ biến liên quan đến nâng ngực. Đây là tình trạng ngực bị cứng ở một bên hoặc cả hai bên, tùy theo mức độ nặng nhẹ có thể gây đau hoặc biến dạng ngực.
Nếu cơ thắt bao xơ ngực ở độ một và hai, ngực vẫn có thể mềm rất khó nhận biết, cần được phát hiện qua kết hợp khám lâm sàng bởi bác sĩ có kinh nghiệm về nâng ngực và chẩn đoán hình ảnh đặc biệt là chụp cộng hưởng từ (MRI) với bộ coil chuyên sâu về vú để có khẳng định chính xác.

Với trường hợp cơ thắt bao xơ ngực độ 3 hoặc 4, ngực sẽ đau nhiều, biến dạng, co rút dễ khẳng định hơn qua khám lâm sàng. Các trường hợp sau phẫu thuật đặt túi ngực khách hàng cần được kiểm tra ngực ở cả tư thế đứng và tư thế nằm, theo dõi sự mềm mại của ngực thay đổi liên tục trong 6 tháng đến một năm, nếu ngực vẫn cứng theo thời gian đây là một trong những dấu hiệu của co thắt bao xơ hoặc giả bao xơ sau nâng ngực.
Đau vú kèm theo sưng to hoặc ứ dịch, cảm giác sờ được khối u bên trong: Đây có thể là những triệu chứng của bệnh lý u lympho tế bào lớn không điển hình (ALCL) có liên quan tới đặt túi ngực đặc biệt là túi nhám.
Khách hàng cần được hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa sâu về phẫu thuật bệnh lí tuyến vú, ung thư và tạo hình thẩm mỹ để xây dựng kế hoạch chẩn đoán xác định, tiên luợng, điều trị bằng phẫu thuật tháo túi ngực và vùng tổn thương, kết hợp điều trị hỗ trợ chuyên sâu về ung thư.
Vỡ túi ngực
Nếu túi độn ngực bị vỡ, chị em có thể không phát hiện ngay được vì hầu hết các trường hợp vỡ túi độn thường âm thầm, không có triệu chứng. Chụp cộng hưởng từ (MRI) với bộ coil chuyên sâu về vú là phương pháp hiệu quả, chính xác để phát hiện tình trạng túi đã bị vỡ. Một số trường hợp túi ngực vỡ, chị em có thể nhận thấy kích thước vú giảm, hình dạng ngực thay đổi, không đồng đều, đau nhói…

Bác sĩ Vũ cho biết, tử vong trong phẫu thuật nâng ngực là biến chứng đáng tiếc khi xảy ra. Phẫu thuật nâng ngực cần được gây mê toàn thân chính vì thế trước khi tiến hành mổ đội ngũ bác sĩ phải thăm khám cho bệnh nhân, chẩn đoán, làm các xét nghiệm tổng thể, kiểm tra tình trạng bệnh lý kèm theo và đánh giá các nguy cơ trong quá trình phẫu thuật một cách đầy đủ. Hiện nay với các phương pháp nâng ngực không đau được quảng cáo tràn lan, khách hàng cần kiểm tra các thông tin về phương pháp phẫu thuật, đội ngũ bác sĩ gây mê, hệ thống phòng hậu phẫu, ICU chuẩn y khoa với các trường hợp khẩn cấp khi có biến chứng trong ca mổ, các thuốc sử dụng sau phẫu thuật…
“Để tránh các biến chứng không mong muốn khi nâng ngực, chị em nên lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín, bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn, xem các video chi tiết về phẫu thuật mình mong muốn được thực hiện của chính bác sĩ mình lựa chọn trước khi quyết định thẩm mỹ”, bác sĩ Vũ nói.
Cũng theo bác sĩ Vũ, quá trình nâng ngực bằng phương pháp phẫu tích mù kết hợp cầm máu bằng dao đốt điện dễ dẫn đến nguy cơ chảy máu cao, tổn thương- xơ chai mô, tiết dịch nhiều trong khoang ngực… Với phương pháp sử dụng dao siêu âm Ultrasonic Surgical Scalpel kết hợp kỹ thuật phẫu tích điểm trong quá trình bóc tách mô, giải phóng mô để tạo khoang đặt túi có thể kiểm soát việc chảy máu, hạn chế chấn thương mô gây tiết dịch, đặc biệt từ hệ thống lymphatic gần như hoàn toàn với mức độ chính xác cao, tốc độ lành thương sau mổ nhanh, hạn chế tối đa những biến chứng trong và sau mổ.