MỹPeter Braunstein đóng giả lính cứu hỏa đột nhập nhà nữ đồng nghiệp, gây mê rồi trói tay chân để lạm dụng tình dục suốt 13 tiếng, quay video trước khi bỏ trốn.
Ngày Halloween 31/10/2005, nữ biên tập viên thời trang 36 tuổi nghe có tiếng đập cửa căn hộ ở tòa nhà trên phố Manhattan. Sau đó, một người đàn ông hét lên: “Đội cứu hỏa đây!”
Qua mắt mèo trên cửa, cô nhìn thấy cầu thang dẫn đến căn hộ một phòng ngủ của mình ngập trong khói xám, một người đàn ông mặc đồng phục và mũ bảo hiểm lính cứu hỏa đang đứng đó. “Có đám cháy trong tòa nhà!” anh ta hét lên, yêu cầu vào kiểm tra. Một tấm chắn nhựa che khuất khuôn mặt anh ta.
Cô cho người đàn ông vào. Chỉ trong chốc lát, cô bị dí súng vào sau đầu, ra lệnh úp mặt xuống sàn bếp.
Hắn còng tay cô ra sau lưng, rồi đưa một miếng vải tẩm thuốc mê lên miệng và mũi cô, có mùi giống như nước tẩy sơn móng tay.
13 giờ tra tấn kinh hoàng
Nạn nhân giấu tên kể lại nỗi sợ hãi khi tỉnh lại trong tình trạng bị trói chặt tay và mắt cá chân vào giường, trên người chỉ mặc nội y màu hồng và một đôi giày cao gót kẻ đó tìm thấy trong tủ quần áo.
“Anh ta nói rằng tôi may mắn vì còn sống, rằng anh ta đã giết vài người và có một danh sách những người sắp phải chết”, cô kể khi ra làm chứng trước tòa.
Cô cố gắng bắt chuyện với kẻ tấn công, lúc đó đang mặc quần jeans, áo sơ mi và đeo mặt nạ trượt tuyết, bằng thái độ thân thiện, nhẹ nhàng để giúp hắn bình tĩnh lại. Khi hắn nói về việc muốn giết kẻ thù, cô nói: “Có lẽ anh có thể tha thứ cho mọi người, buông bỏ quá khứ và sống cho tương lai”. “Quá muộn rồi”, hắn đáp lại.
Hai người bạn không thể liên lạc với cô nên lo lắng đến nhà tìm, nhưng hắn dí súng đe dọa “bước qua cánh cửa đó đều sẽ chết” khiến cô không dám làm gì. Những người bạn không thấy hồi đáp, cũng không thể vào nhà nên bỏ đi.
Chán trò chuyện, hắn dán băng dính điện lên mắt cô, cố gây mê thêm năm lần nữa, mỗi lần cô đều nín thở và giả vờ ngất đi. Chất gây mê làm bỏng khuôn mặt cô, cổ tay chảy máu do cọ siết vào dây trói.
Không nhìn thấy gì, trong hơn 8 giờ, cô phải chịu đựng những hành động kinh tởm của kẻ tấn công qua các giác quan còn lại. Sau khi quay video, hắn nằm ngủ cạnh cô. Qua một khe hở của băng dính, cô có thể thấy trời sáng dần, lo sợ hắn sẽ giết mình.
Sau đó, cô nghe thấy hắn kéo khóa túi, mặc áo khoác, rồi bỏ đi. Kẻ tấn công mang theo những món đồ lưu niệm thu thập được trong căn hộ: áo khoác Gucci, túi du lịch Louis Vuitton, sơ yếu lý lịch, giấy phép lái xe của nạn nhân.
Hắn để lại lời chế giễu viết nguệch ngoạc lên gương trong phòng tắm: “Tạm biệt – Hy vọng mọi chuyện sẽ sớm tốt đẹp với em”.

Chiếc áo đồng phục lính cứu hỏa và lời nhắn viết trên gương của Peter Braunstein. Ảnh: NYP
Cuộc truy lùng suốt 6 tuần
Nạn nhân nói với cảnh sát rằng kẻ tấn công dường như biết cô, dù cô không thể nhận dạng được hắn.
Sở Cảnh sát New York đã phát động cuộc truy lùng trên toàn quốc. Nhà chức trách công bố bản phác họa nghi phạm được thực hiện với sự giúp đỡ của một nhân chứng.
Ngay hôm sau, họ nhận được điện thoại báo tin nghi phạm là Peter Braunstein, 41 tuổi, từ chính bố và đồng nghiệp cũ của hắn.
Vài ngày sau, cảnh sát phát hiện thêm bằng chứng trên máy tính cá nhân của Peter, bao gồm một kế hoạch chi tiết mô tả cuộc tấn công vừa xảy ra. Cảnh sát cũng phát hiện hắn đã mua bộ đồng phục lính cứu hỏa, thiết bị thay đổi giọng nói, chất gây mê chloroform trên eBay năm ngày trước vụ việc. Hắn còn đặt mua súng hơi và còng tay trên trang web.
Ngày 17/11/2005, Peter được phát hiện tại một quán cà phê ở Brooklyn. Chủ quán nhận ra nghi phạm và báo cho hai cảnh sát gần đó. Hàng chục cảnh sát, một số mặc đồ chống bạo động, cũng như các phương tiện truyền thông nhanh chóng bao vây các dãy nhà xung quanh khu vực này.
Vào khoảng 13h30, cảnh khuyển phát hiện mùi và lần theo dấu vết đến một tòa nhà bỏ hoang. Lực lượng cảnh sát xông vào tòa nhà nhưng không tìm thấy bằng chứng nào về nghi phạm. Suốt cả ngày, các tấm áp phích được treo trong khu vực với phần thưởng 12.000 USD cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ Peter.
Peter bị bắt vào khoảng 15h30 ngày 16/12/2005, tại thành phố Memphis, bang Tennessee. Một sinh viên Đại học Memphis nhìn thấy Peter đi dạo quanh khuôn viên trường và báo cảnh sát. Khi cảnh sát tiến vào, hắn hét lên rồi tự đâm 13 nhát vào cổ nhưng vẫn sống sót. Sau khi hồi phục sau ca phẫu thuật, Peter được chuyển đến nhà tù New York.
“Anh ta nói không thể tin rằng đã tự tử hụt, bởi anh ta đã nghiên cứu và tìm hiểu về động mạch cảnh”, cảnh sát tiết lộ trong một tuyên bố sau khi Peter bị bắt.
Gã tội phạm có học thức cao
Vụ án nhận được sự chú ý lớn của truyền thông vì Peter là nhà văn và nhà báo có học thức cao, xuất thân khá giả, có thể lẩn trốn cảnh sát trong nhiều tuần. Những diễn biến mới được đăng trên trang nhất nhiều tờ báo và chương trình truyền hình America’s Most Wanted.
Truyền thông đưa tin Peter “thông minh và tài năng, chỉ số IQ 185”, nhưng có sở thích xem phim khiêu dâm. Cảnh sát tìm thấy bộ sưu tập phim về hiếp dâm bạo lực trên máy tính của hắn.

Peter Braunstein bị bắt sau 6 tuần lẩn trốn. Ảnh: NYP
Theo hồ sơ, Peter Braunstein sinh năm 1964 trong một gia đình khá giả ở New York. Anh ta du học Pháp rồi về Mỹ học lấy bằng Tiến sĩ về lịch sử tại Đại học New York.
Năm 2000, Peter trở thành cây viết của tạp chí thời trang W, chủ yếu viết về lịch sử và văn hóa nhạc rock. Anh ta cũng làm việc tự do cho các ấn phẩm như Women’s Wear Daily và The Village Voice.
Peter từng hẹn hò với đồng nghiệp Jane Larkworthy, biên tập viên mảng làm đẹp của W. Sau khi chia tay, anh ta sử dụng trang web của tạp chí như một blog để quấy rối bạn gái cũ.
Theo Jane, Peter quấy rối cô trong 18 tháng, gửi email và tin nhắn điện thoại đáng sợ cho đồng nghiệp và gia đình cô, đăng ảnh khỏa thân và thông tin cá nhân của cô lên một trang web dành cho người lớn. Ngày 22/11/2004, Peter dùng dao tự chém vào ngực mình và tuyên bố bị Jane tấn công. Anh ta được cảnh sát đưa đến bệnh viện để đánh giá tâm thần và được thả sau hai giờ.
Peter bị kết án ba năm quản chế sau khi nhận 37 tội danh quấy rối.
Trong thời gian thử thách, ngày 31/10/2005, Peter mặc đồng phục của Sở Cứu hỏa New York City, kích nổ hai quả bom khói trong sảnh một tòa nhà trên phố Manhattan, lấy cớ xông vào căn hộ của nạn nhân, tạo nên cơn ác mộng kéo dài 13 tiếng.
Peter bị truy tố vào ngày 23/12/2005. Hắn không nhận tội với các cáo buộc tấn công tình dục, bắt cóc, phóng hỏa, đột nhập và trộm cắp.
Âm mưu trả thù vì cuộc sống thất bại
Vài tuần trước khi ra tòa, Peter cố treo cổ bên trong nhà tù Đảo Rikers. Các công tố viên lập luận tại tòa rằng Peter tự làm hại mình để trì hoãn tiến trình tố tụng.
Phiên tòa xét xử Peter diễn ra vào tháng 6/2007 tại Manhattan, được truyền thông đưa tin sát sao.
Công tố viên cáo buộc Peter tra tấn nạn nhân vì ám ảnh với nữ đồng nghiệp từng làm biên tập viên trong cùng văn phòng với hắn và bạn gái cũ Jane.
Theo công tố viên, sau khi bị đuổi việc, bị bạn gái bỏ rơi và phải chuyển về sống với mẹ, Peter âm mưu trả thù tất cả những người không coi trọng mình và lên kế hoạch tỉ mỉ cho tội ác này đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Công tố viên tiết lộ tuyên ngôn cá nhân của Peter, được viết vài tháng trước vụ tấn công, trong đó hắn tự nhận là người được Chúa định sẵn để thực thi công lý đối với những kẻ mang tội lỗi. Một trích đoạn trong đó cho thấy Peter đã nghĩ đến việc sát hại biên tập viên tạp chí Vogue Anna Wintour.
Tuy nhiên, nhóm luật sư bào chữa lập luận rằng Peter bị rối loạn chức năng não khiến anh ta không thể phân biệt được giữa tưởng tượng và thực tế, và rằng trong suốt cuộc tấn công, anh ta đã sống trong tưởng tượng. Họ cho rằng não của Peter quá “hỏng hóc” nên không thể phạm tội có chủ đích.
Trên tòa, nạn nhân lần đầu tiên công khai kể về trải nghiệm kinh hoàng của mình cho bồi thẩm đoàn. Cô can đảm nhìn thẳng vào mắt Peter, dù chỉ trong chốc lát. Bạn gái cũ Jane cũng ra làm chứng về tội ác của Peter khi hai người ở bên nhau.
Ngày 23/5/2007, bồi thẩm đoàn tuyên Peter có tội với 10 tội danh gồm tấn công tình dục, bắt cóc, trộm cắp và một số trọng tội khác, nhưng không kết tội phóng hỏa vì cho rằng hắn không cố ý gây hỏa hoạn để gây thiệt hại cho tòa nhà mà chỉ nhằm đánh lạc hướng.
Ngày 18/6/2007, Peter bị kết án tù chung thân với thời hạn tối thiểu để được xét ân xá là 18 năm.
Trong một cuộc phỏng vấn tại nhà tù 6 tháng sau khi bị tuyên án, Peter thú nhận: “Việc tôi bị giam lại là một điều tốt, vì tôi có những tưởng tượng bạo lực. Tôi không biết mình có khả năng làm gì”.
Tuệ Anh (Theo Nypost, Nytimes)