Lo sợ thủ tục thay đổi
Hơn 11 giờ, tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức (cũ) vẫn tấp nập dòng người ra vào, trên tay ôm từng xếp hồ sơ với vẻ mặt khẩn trương, căng thẳng. Ở bên ngoài, người dân đã xếp hàng ngồi kín hai bên. Phía hành lang cũng rất nhiều người ngồi cặm cụi viết hồ sơ. Bên trong còn đông hơn, không một ghế trống. Đến khoảng 12 giờ (giờ nghỉ trưa) nhưng trong phòng vẫn còn chật kín người cầm số thứ tự chờ đến lượt được giải quyết hồ sơ. Cán bộ quản lý phải phát loa thông báo tạm nghỉ và hẹn người dân 13 giờ quay lại làm việc tiếp.

Người dân làm hồ sơ nhà đất tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức (cũ) ngày 30.6
ẢNH: ĐÌNH SƠN
Chị Phụng, một nhân viên của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức, cho biết người dân có mặt tại đây từ rất sớm nên thay vì 7 giờ 30 mới mở cửa theo lịch làm việc, thì từ hơn 7 giờ nơi đây đã mở cửa tiếp nhận hồ sơ và dự kiến phải sau 18 giờ mới giải quyết xong hết hồ sơ trong ngày.
Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức, chỉ riêng trong ngày 30.6 đã giải quyết gần 800 hồ sơ liên quan đến nhà, đất, tăng hơn gấp đôi so với ngày thường.
Khảo sát cho thấy, bộ phận một cửa tại các quận huyện khác, hồ sơ cũng tăng đột biến. Lãnh đạo H.Củ Chi (cũ) cho biết trong ngày 30.6 số lượng hồ sơ liên quan đến nhà đất tăng mạnh và tất cả hồ sơ đều được giải quyết xong trong ngày, không để phát sinh qua ngày 1.7. Bởi từ 1.7 UBND cấp huyện kết thúc nhiệm vụ, chức năng công việc chuyển về UBND cấp xã.
Trao đổi với chúng tôi, bà Tuyết Trinh (nhà ở Q.11 cũ), nói rằng bà tranh thủ đi làm thủ tục cho tặng con miếng đất trước khi TP.Thủ Đức giải thể để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. “Tôi lớn tuổi rồi, sợ mai này thay đổi với sợ tiền sử dụng đất tăng lên thì thêm khó, nên đi làm cho xong”, bà chép miệng.
Tương tự, ông Vũ Ngọc Hà trong sáng 30.6 cũng nhanh chóng đi làm thủ tục đổi sổ hồng từ mẫu cũ sang mẫu mới vì sổ cũ không còn chỗ để cập nhật biến đổi. “Tôi đang có nhu cầu đổi sổ và chuẩn bị vay tiền, phải thế chấp ngân hàng. Bây giờ làm cho xong, để lỡ sau ngày 1.7 thủ tục thay đổi, phức tạp hơn. Do không rành về thủ tục hành chính và không có thời gian nên tôi phải thuê công ty dịch vụ làm cho nhanh”, ông giải thích.
Chính quyền 2 cấp hoạt động thông suốt hơn
Ông Trần Đình Quân, lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức, xác nhận số lượng người đến làm hồ sơ nhà, đất tăng đột biến so với ngày thường do một số người có tâm lý lo lắng sau ngày 1.7 sẽ có nhiều thay đổi. Ngày 30.6 chi nhánh yêu cầu nhân viên làm hết việc mới về chứ không phải hết giờ về như trước.
“Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng không được yêu cầu người dân điều chỉnh hồ sơ đất đai chỉ vì sáp nhập hành chính. Toàn bộ giấy tờ đất đai còn hiệu lực vẫn tiếp tục sử dụng. Việc chỉnh lý chỉ thực hiện khi người dân tự nguyện làm các thủ tục hành chính liên quan. Do vậy người dân an tâm, các giấy tờ về nhà đất lâu nay vẫn có hiệu lực và quy trình vẫn không có gì thay đổi so với trước”, ông Quân trấn an.
Phó chủ tịch UBND Q.12 (cũ) Nguyễn Minh Chánh cũng cho rằng có thể những ngày đầu quy trình làm việc còn chậm, còn bỡ ngỡ, nhưng sau đó một vài ngày mọi thứ sẽ trở lại bình thường, sẽ bắt nhịp được công việc và sẽ làm nhanh, thông suốt hơn. Bởi lãnh đạo cũng như cán bộ của quận đều được bố trí về các phường. Chưa kể nếu như trước đây hồ sơ từ nhiều phường, xã dồn về trên quận, huyện thì nay hồ sơ rải đều xuống nhiều phường, xã hơn, nên công việc của người dân được giải quyết nhanh gọn hơn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở NN-MT TP.HCM, nhấn mạnh việc sáp nhập này không chỉ là sự điều chỉnh về mặt hành chính đơn thuần, mà kéo theo rất nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới trong công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, cấp sổ hồng, cập nhật và đồng bộ cơ sở dữ liệu địa chính giữa các địa phương. Khi không gian địa giới hành chính được mở rộng, nhu cầu giao dịch, sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai sẽ ngày càng tăng cao, đòi hỏi công tác quản lý đất đai phải được tổ chức bài bản, thống nhất, hiện đại, dựa trên nền tảng dữ liệu số và hệ thống thông tin đất đai liên thông, chính xác.
Theo định hướng của T.Ư và TP.HCM về việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc tổ chức bộ máy hành chính đã và đang từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, rõ thẩm quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong mô hình chính quyền 2 cấp, cấp xã đóng vai trò là cấp chính quyền cơ sở trực tiếp, thực hiện phần lớn các thủ tục hành chính liên quan đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, trong đó có thủ tục về đất đai. Vì thế, chính quyền 2 cấp vận hành còn đơn giản, thông suốt hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
14 thủ tục nhà đất cấp UBND xã giải quyết
Từ ngày 1.7, UBND cấp xã được phân cấp xử lý 14 thủ tục hành chính đất đai. Trong đó, 5 thủ tục liên quan đến đăng ký, cấp giấy chứng nhận (sổ hồng), bao gồm: xác định lại diện tích đất ở đã được cấp sổ hồng trước ngày 1.7.2004; đính chính sổ hồng có sai sót; thu hồi và cấp lại sổ hồng cấp sai; đăng ký, cấp sổ hồng lần đầu cho tổ chức đang sử dụng đất; cấp sổ hồng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc người gốc VN định cư ở nước ngoài.
Bên cạnh đó cấp xã cũng thực hiện 5 thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, UBND cấp xã còn thực hiện 4 thủ tục thể hiện rõ vai trò gần dân được quy định gồm: tặng cho quyền sử dụng đất cho nhà nước hoặc cộng đồng; sử dụng đất kết hợp đa mục đích; giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã; tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở.