Chàng trai nâng tầm lê ki ma

Chàng trai nâng tầm lê ki ma

bởi

trong

Tốt nghiệp ngành trồng trọt Trường ĐH Cần Thơ, anh Phạm Ngọc Đá có công việc ổn định và mức lương hấp dẫn tại một công ty phân bón. Thế nhưng niềm mơ ước phát triển kinh tế nông nghiệp đã thôi thúc anh xin nghỉ việc, bước vào con đường sản xuất nấm dược liệu đông trùng hạ thảo.

Chàng trai nâng tầm lê ki ma

Anh Đá cùng sản phẩm bột lê ki ma

ẢNH: DUY TÂN

Năm 2019, anh Đá thành lập HTX với 7 thành viên, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và phòng nuôi cấy đạt chuẩn, từng bước đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo ra thị trường với chất lượng ổn định.

Đến năm 2020, nhận thấy trái lê ki ma (còn gọi trái trứng gà) mọc nhiều ở miền Tây nhưng ít người tiêu thụ, anh Đá bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu để biến loại trái này thành sản phẩm có giá trị cao. “Trước đây, cây lê ki ma mọc dại quanh hàng rào, bờ giậu, ít ai trồng, càng ít người ăn. Nhưng sau khi nghiên cứu, tôi phát hiện loại trái này giàu giá trị dinh dưỡng nên quyết tâm phát triển thành bột dinh dưỡng”, anh chia sẻ.

Quá trình hiện thực hóa ý tưởng không hề đơn giản. Trái lê ki ma tươi chứa nhiều mủ và độ ngọt cao, khiến việc chế biến gặp nhiều trở ngại. Những mẻ đầu tiên thất bại, sản phẩm bị chát, dẻo và không thể nghiền thành bột. Anh Đá kiên trì thử nghiệm, xử lý mủ, cải tiến công thức và đầu tư thiết bị phù hợp.

Sau hơn 2 năm mày mò, anh Đá cho ra đời bột lê ki ma với công nghệ sấy thăng hoa, giữ trọn hương vị và dưỡng chất tự nhiên. Đặc biệt, anh còn phối trộn thêm các loại bột dược liệu như đông trùng hạ thảo, nghệ, bí đỏ… để gia tăng giá trị dinh dưỡng, mang lại lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng.

“Khoảng 10 kg trái tươi mới thu được 1 kg bột. Lê ki ma giúp hỗ trợ tiêu hóa, bổ não, kết hợp với bí đỏ tốt cho người mỡ máu, đông trùng hạ thảo tăng sức đề kháng. Tôi muốn tạo ra loại bột dinh dưỡng tốt cho người tiêu dùng”, anh Đá nói.

Chàng trai nâng tầm lê ki ma- Ảnh 2.

Bình quân mỗi tháng HTX của anh Đá sản xuất khoảng 3 tấn bột lê ki ma

ẢNH: DUY TÂN

Sản phẩm được đóng gói hộp 500 gr, giá bán 750.000 đồng, phân phối qua các đại lý, cửa hàng tại TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL. Bình quân mỗi tháng, HTX của anh sản xuất khoảng 3 tấn bột; đồng thời thu mua hơn 2 tấn lê ki ma tươi/ngày từ nông dân tỉnh Vĩnh Long (trước đây là Bến Tre) với giá ổn định 10.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, anh Đá đã liên kết với 300 hộ dân ở Vĩnh Long, phát triển vùng trồng lê ki ma rộng hơn 600 ha. Loại cây này dễ trồng, ít sâu bệnh, không cần dùng thuốc hóa học, cho trái quanh năm, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho nhà vườn.

“Tôi mua giá cao hơn thị trường nên bà con yên tâm sản xuất. Tới đây, tôi dự kiến phát triển các vườn liên kết thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm nông sản”, anh chia sẻ thêm.

Hiện anh Đá đã chế biến thành công sản phẩm lê ki ma sấy giòn dùng để ăn hoặc uống trà và chuẩn bị xuất bán sản phẩm ra thị trường. Thời gian tới, anh và các thành viên HTX hướng đến việc đưa sản phẩm từ lê ki ma xuất khẩu.