Việc mất chiếc F-16 thứ 4 có thể sẽ khiến Ukraine ngừng sử dụng tiêm kích này cho nhiệm vụ phòng không, nhằm để dành cho mục tiêu quan trọng.
Không quân Ukraine cho biết một tiêm kích F-16 nước này bị rơi khi đối phó cuộc tập kích quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga đêm 28, rạng sáng 29/6, khiến phi công Maxim Ustimenko thiệt mạng.
Phi cơ đã bắn hạ 7 mục tiêu trước khi bị hư hại trong lúc đối phó mục tiêu thứ 8, dẫn dến mất độ cao. Phi công đã cố lái máy bay tránh khỏi khu dân cư và không kịp phóng ghế thoát hiểm.
Đây là chiếc F-16 thứ tư mà Ukraine để mất kể từ đầu xung đột. Chiếc gần nhất bị rơi hồi giữa tháng 5 cũng trong lúc đối phó UAV Nga, song phi công đã phóng ghế thoát hiểm an toàn.
Sau khi tiếp nhận lô F-16 đầu tiên vào tháng 8/2024, Ukraine chủ yếu sử dụng mẫu tiêm kích này cho nhiệm vụ phòng không, dù nó từng xuất hiện với cấu hình tấn công mặt đất hồi tháng 2.
Khi thực hiện nhiệm vụ phòng không, phi công Ukraine sẽ điều khiển tiêm kích F-16 bay phía trên tên lửa hành trình và UAV Nga, giúp họ có góc quan sát và công kích tốt hơn so với radar của hệ thống phòng không mặt đất.

Phi công Maxim Ustimenko trong bức ảnh đăng ngày 29/6. Ảnh: RBC Ukraine
Radar AN/APG-66(V)2A trên tiêm kích F-16 của Ukraine có khả năng phát hiện vật thể bay thấp tốt hơn các mẫu tiêm kích Liên Xô như MiG-29 và Su-27, tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM của F-16 cũng có thể đánh chặn hiệu quả UAV có diện tích phản xạ radar nhỏ nhờ đầu dò chủ động.
Nhưng về bản chất, tiêm kích F-16 vẫn được thiết kế để làm nhiệm vụ không chiến hoặc tập kích mục tiêu mặt đất, chứ không phải vũ khí phòng không chuyên dụng. Việc quân đội Ukraine triển khai phi cơ F-16 đắt tiền, với giá 30-35 triệu USD mỗi chiếc, để đối phó UAV có giá rẻ hơn hàng nghìn lần đã vấp phải chỉ trích của một số quan chức.
“Nếu Ukraine không phát triển hệ thống chống UAV mà tiếp tục cử phi công trình độ cao lái tiêm kích đắt đỏ làm nhiệm vụ trên, điều này đồng nghĩa chúng ta đang đẩy phi công và những chiếc máy bay quý giá vào chỗ chết”, nghị sĩ Ukraine Mariana Bezugla viết trên X.
Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ năm 2023 cam kết viện trợ tổng cộng 85 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine, song chưa rõ tổng cộng bao nhiêu chiếc đã được chuyển giao.
Chỉ có số ít phi công Ukraine được đào tạo để lái được tiêm kích F-16 và mỗi tổn thất về nhân mạng đều là đòn giáng mạnh với không quân nước này. Thời gian cần thiết để học cách lái thành thạo tiêm kích F-16 là khoảng một năm, điều sẽ khiến Kiev gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực bù đắp tổn thất.
Mức độ rủi ro với tiêm kích F-16 gần đây còn lớn hơn khi Nga thường xuyên tập kích với quy mô rất lớn, kết hợp UAV với nhiều loại tên lửa hiện đại, trong đó có cả dòng Kinzhal với vận tốc tối đa Mach 10 (khoảng 12.000 km/h), gấp 10 lần tốc độ âm thanh.

Tiêm kích F-16 Ukraine bay trình diễn ngày 4/8/2024. Ảnh: Reuters
Cuộc tấn công đêm 28, rạng sáng 29/6 là đòn không kích lớn nhất kể từ đầu xung đột của Nga, trong đó Moskva phóng tổng cộng 477 UAV và 60 tên lửa các loại. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết chỉ trong một tuần qua, Nga đã sử dụng hơn 1.270 UAV và 114 tên lửa để tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.
“Vụ Ukraine mất chiếc F-16 thứ 4 cho thấy rủi ro khi quá phụ thuộc vào mẫu tiêm kích này cho nhiệm vụ đánh chặn UAV”, cây viết Boyko Nikolov của trang quân sự Bulgarian Military cho biết.
“Sự cố có thể sẽ khiến Ukraine phải đánh giá lại cách sử dụng phi cơ F-16, hạn chế triển khai nó khi đối phó cuộc tập kích quy mô lớn bằng UAV nhằm để dành cho những nhiệm vụ có mức độ ưu tiên cao, như tấn công chiến đấu cơ Nga hoặc các mục tiêu chiến lược”, Nikolov nhận định thêm.
Tờ Bild của Đức cho biết tiêm kích F-16 Ukraine hôm 7/6 đã phối hợp với máy bay cảnh báo sớm Saab 340 để bắn rơi chiến đấu cơ Su-35S Nga tại tỉnh Kursk bằng tên lửa AIM-120 AMRAAM, loại có tầm bắn tối đa hơn 160 km. Tuy nhiên, không quân Ukraine chưa tiết lộ vũ khí đã sử dụng để hạ máy bay Nga.
Nikolov cũng nêu khả năng Ukraine tạm ngưng sử dụng tiêm kích F-16 hoàn toàn để tập trung phân tích nguyên nhân dẫn đến tổn thất và đưa ra giải pháp khắc phục. Tổng thống Zelensky đã tuyên bố mở cuộc điều tra về vụ rơi phi cơ F-16 thứ 4, song không nêu rõ chi tiết.
Nếu Ukraine ngừng triển khai tiêm kích F-16 cho nhiệm vụ phòng không, gánh nặng này sẽ được trao lại cho các hệ thống mặt đất như IRIST-T, NASAMS, Patriot, SAMP-T và các chiến đấu cơ đời cũ như MiG-29. Tuy nhiên, tiêm kích thời Liên Xô thường không hiệu quả bằng F-16 cho nhiệm vụ trên, trong khi Ukraine cũng đang thiếu hụt trầm trọng tên lửa đánh chặn.

Khoảnh khắc UAV lao xuống một tòa nhà ở Kiev hôm 17/6. Ảnh: AP
Tờ Le Monde của Pháp ngày 26/5 dẫn các nguồn tin giấu tên tại Ukraine cho biết nước này không còn tên lửa cho hai khẩu đội SAMP/T trong biên chế, cũng như không nhận được đạn dược cho hệ thống phòng không tầm ngắn Crotale trong suốt 18 tháng qua.
Tổng thống Zelensky cũng nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển giao thêm tổ hợp phòng không Patriot. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hồi tháng 5 cho biết đây là việc không dễ dàng, do tốc độ xuất xưởng của Mỹ chưa theo kịp nhu cầu và các đồng minh khác không sẵn sàng viện trợ thêm cho Ukraine.
Trong khi đó, các tổ phòng không di động được trang bị súng máy của Ukraine, từng được coi là phương án giá rẻ và hiệu quả để đối phó UAV, gần đây đã mất tác dụng. Nguyên nhân là do Nga đã cải tiến UAV tự sát để bay ở vận tốc và độ cao lớn hơn, nằm ngoài tầm bắn của súng máy.
Nikolov cho rằng về lâu dài, Ukraine nên tăng cường đầu tư vào năng lực tác chiến điện tử, công nghệ đã giúp họ vô hiệu hóa lượng lớn UAV Nga trong cuộc tập kích khiến phi cơ F-16 bị rơi, cũng như triển khai các phương pháp khác như vũ khí laser hay UAV đánh chặn.
“Việc Ukraine áp dụng các công nghệ tương tự sẽ giúp giảm áp lực lên phi đội F-16 của nước này, cho phép chúng tập trung vào mục tiêu giá trị cao”, cây viết của Bulgarian Military cho hay.
Phạm Giang (Theo Bulgarian Military, Guardian, Ukrainska Pravda)