AI ‘đọc’ ao tôm, tăng năng suất

AI ‘đọc’ ao tôm, tăng năng suất

bởi

trong

Nhiều doanh nghiệp phát triển hệ thống AI phân tích điều kiện ao nuôi, dự báo và đưa ra lời khuyên cho chủ ao, kỳ vọng tác động đến chuỗi giá trị 4 tỷ USD.

Cuối tháng 5, hệ thống Green AIoT được giới thiệu đến nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu như một giải pháp AI trong giám sát, tối ưu môi trường nước nuôi tôm, tại sự kiện do Sở Khoa học Công nghệ tổ chức. Thông tin về cách AI tham gia vào quá trình mở ra một hướng đi mới cho những hộ dân, đơn vị tham gia ngành nông nghiệp này.

Hệ thống hoạt động thông qua các cảm biến, liên tục thu thập dữ liệu về độ mặn, nồng độ oxy, pH… Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý và quá trình phát triển của tôm. Dữ liệu được thu thập theo thời gian thực, sau đó được AI phân tích, xử lý, phát hiện sớm các bất thường. Từ đây, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh các thiết bị trong ao nuôi như máy tạo oxy… giữ cho các chỉ số tối ưu. AI còn có thể đưa ra dự báo sớm cho chủ ao dựa trên các điều kiện môi trường để có điều chỉnh phù hợp.





AI ‘đọc’ ao tôm, tăng năng suất

Khu vực nuôi tôm công nghệ cao ven biển ở Bình Định. Ảnh: Phạm Linh

Những hệ thống ứng dụng AI vào nuôi tôm đang xuất hiện ngày càng nhiều. Không riêng Green-AIoT, nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang phát triển giải pháp để hỗ trợ cơ sở nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, tăng năng suất, giảm dịch bệnh, chi phí. Sự quan tâm đến từ việc đây là ngành đóng góp giá trị cao trong cơ cấu kinh tế. Riêng năm 2024, sản lượng tôm đạt 1,2 triệu tấn, mang về giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD.

Crustea – một startup lĩnh vực thủy sản của Indonesia cũng phát triển hệ thống hỗ trợ bên nuôi, nhắm đến thị trường Việt Nam do thấy được tiềm năng. Hệ thống này ứng dụng AI vào quá trình giám sát môi trường ao, dự đoán sớm các tình huống xấu. Bên cạnh đó, AI còn giúp tối ưu điện năng tiêu thụ của máy sục oxy. Các thiết bị, máy móc khác sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải, hướng đến mô hình bền vững.

Ngoài theo dõi điều kiện ao, thị trường cũng xuất hiện những AI có khả năng phân tích sức khỏe tôm bằng dữ liệu, giảm phụ thuộc vào kinh nghiệm và cảm quan cá nhân như trước. AI có khả năng thu thập các chỉ số như độ đầy ruột, độ phân đàn, độ đồng đều để tính toán độ hiệu quả của quá trình cho ăn, sức khỏe. Những sản phẩm cũng có khả năng đếm số lượng tôm giống giúp người nuôi xác định chính xác mật độ thả nuôi ngay từ đầu vụ; ước tính lượng thức ăn cho tôm theo từng giai đoạn, để có kế hoạch cho ăn hợp lý, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo nhiều chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ hỗ trợ giải quyết nhiều nỗi lo của các cơ sở nuôi tôm. Chẳng hạn với các thiết bị cảm biến thông minh và hệ thống phân tích dữ liệu, AI có thể cung cấp thông tin thời gian thực, gửi đến điện thoại cá nhân – điều trước đây mất hàng giờ, thậm chí cả ngày để kiểm tra. Các hệ thống này đòi hỏi chi phí ban đầu tuy nhiên, về lâu dài hỗ trợ tăng năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 737.000 ha với sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm trước đó. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam dự báo năm 2025 ngành thủy sản vẫn duy trì đà tăng trưởng, nhờ nhu cầu từ các thị trường trong khu vực tăng. Quý I/2025, giá trị xuất khẩu đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ.

Hoài Phương