8h sáng 1/7, tại Bộ phận Một cửa của Sở Nội vụ TPHCM ở trụ sở 86B Lê Thánh Tôn (phường Sài Gòn, TPHCM), công việc diễn ra bình thường. Thủ tục hành chính giải quyết tại đây chủ yếu liên quan đến các cơ quan, đơn vị, hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ. 100% hồ sơ được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến nên rất ít phát sinh làm việc trực tiếp ngay tại bộ phận.
Còn Bộ phận Một cửa của Sở Nội vụ TPHCM ở trụ sở 159 Pasteur (phường Xuân Hòa, TPHCM) giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép lao động, dịch vụ việc làm… Sáng 1/7, tại đây luôn duy trì dưới 10 người dân đến giao dịch.

Người dân đến Bộ phận Một cửa không đông nên thời gian giải quyết nhanh chóng (Ảnh: Tùng Nguyên).
Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động Sở Nội vụ TPHCM, mọi thủ tục của ngành đều thực hiện trực tuyến toàn trình thông qua cổng dịch vụ công. Do đó, người dân, doanh nghiệp chỉ đến bộ phận một cửa để nhận kết quả, quyết định bản giấy nếu có nhu cầu. Còn người dân, doanh nghiệp nhận kết quả bằng quyết định điện tử, ký số thì thậm chí không phải đến Bộ phận Một cửa.
Về quy trình, bà Thanh Trúc cho biết chỉ có thay đổi nhỏ ở phần khai báo địa chỉ giao dịch và nơi tiếp nhận hồ sơ tại TPHCM được phân thành 3 khu vực theo địa giới TPHCM cũ, Bình Dương cũ và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ. Người dân chọn đúng nơi giải quyết hồ sơ thì thủ tục diễn ra bình thường như trước đây.
Về số lượng giao dịch, bà Trần Lê Thanh Trúc cho biết chưa có thống kê đầy đủ cả ngày nhưng bà đánh giá không tăng hay giảm đột biến.

Mọi thủ tục đã được cán bộ giải quyết trực tuyến trên cổng dịch vụ công (Ảnh: Tùng Nguyên).
Bà Mai Thị Kiều Duyên đến đây nhận kết quả thủ tục từ 9h rồi lấy số thứ tự, chỉ 30 phút sau là đến lượt nhận kết quả. Bà Duyên cho biết: “Mọi việc diễn ra thuận lợi, không có gì khó khăn so với trước đây”.
Theo bà Kiều Duyên, trước thời điểm chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ Sở Nội vụ TPHCM đã thông qua các nhóm Zalo để hướng dẫn các đơn vị những thay đổi trong việc khai báo hồ sơ theo địa giới hành chính mới nên không có gì bất ngờ, hồ sơ khai báo thuận tiện, không sai sót nên đến ngày hẹn là có thể nhận kết quả.
Bà Kiều Duyên đánh giá: “Mọi việc chuẩn bị rất chu đáo, thuận lợi, không ảnh hưởng gì đến công việc của chúng tôi”.

Người dân đến trực tiếp vì muốn nhận kết quả bằng quyết định bản giấy (Ảnh: Tùng Nguyên).
Bà Trần Lê Thanh Trúc khuyến nghị người dân, đơn vị nên sử dụng các quyết định điện tử, chữ ký số thì mọi thủ tục hành chính càng đơn giản, tiện lợi hơn mà cơ quan nhà nước cũng tiết kiệm được khâu ban hành các quyết định giấy.
Tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thành phố (Sở Nội vụ TPHCM), lượng người dân đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khá đông. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM, số lượng này là không có gì thay đổi so với trước thời điểm vận hành chính quyền 2 cấp.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục còn cho biết: “Nếu so với cùng kỳ năm trước, số lượng người dân đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm”.

Người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp sáng 1/7 (Ảnh: Nguyễn Vy).
Người dân đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp đông là do nhiều người vẫn chưa thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Khánh (22 tuổi) đến đây từ 7h30 để làm hồ sơ bảo lưu trợ cấp thất nghiệp. Chị cho biết: “Do chưa rành các thủ tục trên nền tảng trực tuyến nên tôi quyết định đến trung tâm để được hướng dẫn”.

Người dân chưa biết thực hiện thủ tục trực tuyến nên đến đây để được hướng dẫn (Ảnh: Nguyễn Vy).
Theo bà Hạnh Thục, người dân khi làm thủ tục trực tuyến không cần lo lắng về việc thay đổi địa giới hành chính, thay đổi thông tin trên giấy tờ cá nhân. Bởi các thông tin này đã được cập nhật trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; định danh điện tử mức 2…
Do đó, để thuận tiện và giảm chi phí đi lại, đỡ mất công chờ đợi nộp hồ sơ, bà Hạnh Thục khuyến cáo người dân, đơn vị nên thực hiện các thủ tục hành chính công trên nền tảng số thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.