Trong đơn kháng cáo vừa gửi tới tòa án, ông Dương Thế Hảo (66 tuổi, Hà Nội) cho rằng bản án sơ thẩm không đúng với diễn biến sự việc; các lập luận và chứng cứ của ông không được xem xét đầy đủ và toàn diện.
Ngược lại, theo ông Hảo, phía bị đơn – Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đưa ra các lập luận và chứng cứ không đúng với thực tế nhưng lại được tòa chấp thuận. Vì thế, ông đề nghị tòa án sớm mở phiên tòa phúc thẩm vụ việc này.

Ông Dương Thế Hảo vừa nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm (Ảnh: Thế Kha).
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND quận Hai Bà Trưng tổ chức hôm 18/6, ông Dương Thế Hảo nâng số tiền yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân phải bồi thường cho mình từ 44 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng. Việc này được ông Hảo dựa trên các tính toán thiệt hại vật chất và tinh thần do bị trường “giam” bằng cử nhân, các tài liệu như sổ hộ khẩu, hồ sơ cá nhân suốt 30 năm gây ảnh hưởng mọi mặt cuộc sống, sự nghiệp và đời tư.
Ông Hảo khẳng định khi nhập học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã nộp hồ sơ, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ, địa chỉ tạm trú cũng được chuyển về trường. Song do không lấy được bằng tốt nghiệp nên toàn bộ hồ sơ gốc của ông bị giữ lại.
Do bị “giam” bằng cử nhân, cuộc sống cá nhân của ông bị đảo lộn, không thể đăng ký kết hôn, đăng ký hộ khẩu, không thể làm giấy khai sinh cho con tại Hà Nội.
Hai con ông Hảo không được theo học trường công ở Hà Nội dẫn đến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tới năm 2019, ông Hảo mới nhận được bằng tốt nghiệp đại học, sau khi khởi kiện ra tòa và trải qua nhiều phiên hòa giải.
Tại tòa, đại diện trường đại học lý giải, hồ sơ của ông Hảo được tìm thấy trong khe tủ của một bộ phận không liên quan, sau nhiều lần tìm kiếm. Đây là sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan do nhà trường thay đổi trụ sở nhiều lần, “các thế hệ lãnh đạo thời đó đã mất, nghỉ hưu”, trong khi hoạt động lưu trữ của nhà trường chỉ là sự tiếp nhận từ trước.
Đại diện trường khẳng định yêu cầu đòi bồi thường số tiền rất lớn của ông Hảo không có căn cứ, do không có chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế. Lời khai của ông Hảo tại tòa không có bằng chứng nào thể hiện việc nhiều lần liên hệ với trường để nhận hồ sơ và bằng tốt nghiệp nhưng không được giải quyết.
Vị đại diện này cũng cho rằng trường không yêu cầu sinh viên nộp bản gốc sổ hộ khẩu khi nhập học.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: NEU).
Hội đồng xét xử dẫn Bộ luật Dân sự quy định, bên thiệt hại (ông Hảo) phải chứng minh được thiệt hại thực tế là kết quả của hành vi vi phạm pháp luật và lỗi của bên gây thiệt hại (nhà trường).
Từ đó, hội đồng xét xử đánh giá không có tài liệu nào thể hiện việc ông Hảo đã nhiều lần đến trường đề nghị nhận bằng cử nhân nhưng không được giải quyết. Việc ông Hảo cho rằng trường giữ bằng tốt nghiệp của mình suốt 30 năm là không có căn cứ.
Từ đó, tòa bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Dương Thế Hảo.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND có hiệu lực từ ngày 1/7 đã sắp xếp lại mô hình tổ chức TAND thành 3 cấp: TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và TAND khu vực – thay thế cho TAND cấp huyện hiện nay và bỏ TAND cấp cao.
Luật mới tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho TAND khu vực, bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và các vụ việc khác đang do TAND cấp huyện giải quyết.
Luật bổ sung quy định về Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, giao Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến áp dụng thông luật tại Tòa án chuyên biệt.