Chiều 1.7, tại kỳ họp thứ nhất, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết thành lập 15 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP.HCM và chỉ định Ủy viên UBND TP.HCM. Trong đó, TP.HCM tiếp tục lập Sở An toàn thực phẩm. Phó giáo sư – tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan được bổ nhiệm làm giám đốc sở này.
Bà Phạm Khánh Phong Lan chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, bao gồm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Phương châm quản lý của bà là “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”.
Hiện bà còn là đại biểu Quốc hội, tham gia xây dựng pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm và các vấn đề xã hội khác.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Phó giáo sư – tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan
ẢNH: ĐỘC LẬP
Trong số các sở được thành lập của TP.HCM thì Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chỉ có một phó giám đốc được bổ nhiệm – bác sĩ Lê Minh Hải. UBND TP.HCM sẽ tiếp tục xem xét, quyết định bổ nhiệm nhân sự phó giám đốc cho sở này.
Bác sĩ Lê Minh Hải, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có nhiệm vụ chính là tham mưu, giúp giám đốc sở trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.
Ông cũng chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành các hoạt động liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, và xử lý vi phạm.
Ông cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương và các bộ, ngành để xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tại số 57 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành
ẢNH: DUY TÍNH
Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, về cơ bản, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM không có gì thay đổi do Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không có cơ quan tương đương. Sở An toàn thực phẩm tiếp nhận nhân sự y tế, nông nghiệp (liên quan an toàn thực phẩm) và phân chia về các phòng chuyên môn, nhưng số lượng nhân sự tiếp nhận không nhiều.
Về nguyên tắc thì nhân sự ở đâu sẽ làm ở đó, như đi thẩm định, báo cáo về cho sở. Còn hồ sơ, cấp phép thì ở trung tâm TP.HCM sẽ làm theo cấp độ 4.
“Theo yêu cầu công việc của TP.HCM thì nhân sự tại chỗ của các khu vực mới khi sáp nhập là ít nên khó đảm trách hết được. Vì vậy, chúng tôi dự kiến là sẽ lập các đội đi xuống xã, phường để cố gắng làm sao cải cách hành chính, cấp phép không gián đoạn”, bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin.
Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM kiện toàn bộ máy tổ chức, đến cuối tháng 7 này sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm vào đầu năm học cho toàn TP.HCM, tập huấn an toàn thực phẩm cho các trường.
Bên cạnh đó, sở còn đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp khu vực mới Bình Dương và dịch vụ, du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu.