Dùng thuốc tiêu sợi huyết trong ‘giờ vàng’ cứu người đột quỵ

Dùng thuốc tiêu sợi huyết trong ‘giờ vàng’ cứu người đột quỵ

bởi

trong

TP HCMBà Lan, 68 tuổi, bất ngờ khuỵu xuống, nói không được, gia đình đưa đi cấp cứu được bác sĩ dùng thuốc tiêu sợi huyết tái thông mạch máu não thành công.

Bà Lan được đưa đến viện giờ đầu sau khởi phát triệu chứng, trong tình trạng mở mắt nhưng không nói được và không thực hiện được các mệnh lệnh đơn giản. BS.CKI Trần Nguyễn Uyên Dung, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là những dấu hiệu thần kinh khu trú điển hình của đột quỵ thiếu máu não cấp. Thang điểm đánh giá đột quỵ NIHSS là 12, tức mức độ trung bình – nặng, cần xử trí khẩn cấp.

“Nhập viện điều trị trong kịp ‘giờ vàng’ là yếu tố then chốt quyết định khả năng hồi phục và mức độ di chứng của bệnh”, bác sĩ Dung nói, thêm rằng với đột quỵ nhồi máu não, thuốc tiêu sợi huyết đạt hiệu quả tối ưu khi sử dụng trong vòng 4,5 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Càng điều trị sớm, khả năng cứu sống mô não và hồi phục chức năng càng cao.

Ngay khi tiếp nhận, bệnh viện kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ “Code Stroke”. Êkíp đa chuyên khoa gồm thần kinh, cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh và can thiệp mạch máu sẵn sàng phối hợp. Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI 1.5-2 Tesla cho thấy bà Lan bị tắc hoàn toàn một nhánh động mạch lớn, gây thiếu máu nghiêm trọng vùng kiểm soát ngôn ngữ và vận động.

Bác sĩ dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bà Lan, giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch. Đầu tiên, bác sĩ tiêm một liều thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch để phát huy tác dụng nhanh, sau đó tiếp tục truyền duy trì khoảng một giờ nhằm tăng cường hiệu quả làm tan cục huyết khối.





Dùng thuốc tiêu sợi huyết trong ‘giờ vàng’ cứu người đột quỵ

Chụp MRI động mạch não của bà Lan trước và sau sử dụng tiêu sợi huyết. Ảnh: Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Dung, bà Lan bị tắc mạch máu lớn, được chỉ định chụp mạch hóa số nền (DSA) trong khi truyền thuốc tiêu sợi huyết nhằm mục đích đánh giá lại tình trạng tắc nghẽn của mạch máu. Trường hợp mạch máu lớn vẫn còn tắc nghẽn, bác sĩ can thiệp nội mạch bằng phương pháp lấy huyết khối cơ học để tái thông lòng mạch. Kết quả chụp cho thấy cục máu đông gần như tan hết, mạch máu đã tái thông hoàn toàn dưới tác dụng của .

Sau ba giờ điều trị, bà Lan có thể cử động tay chân, bắt đầu nói được các từ đơn lẻ, phản xạ cải thiện rõ rệt. Đánh giá lại NIHSS còn hai điểm, tức mức rất nhẹ. Người bệnh xuất viện sau ba ngày, nói chuyện rõ ràng, vận động linh hoạt. Bác sĩ đánh giá gần như hồi phục hoàn toàn, khuyến cáo người bệnh tái khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị dự phòng tái phát, đồng thời kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Bà cũng được hướng dẫn tiếp tục phục hồi chức năng vận động và ngôn ngữ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.





Bác sĩ kiểm tra cơ lực tay cho bà Lan trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ kiểm tra cơ lực tay cho bà Lan trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trưởng thành. Cứ mỗi phút não không được cung cấp máu có khoảng hai triệu tế bào thần kinh chết đi. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề như sống đời thực vật, bại liệt, mất ngôn ngữ hoặc giảm khả năng nhận thức.

Bác sĩ Dung khuyến cáo mọi người ghi nhớ nguyên tắc FAST – dấu hiệu cảnh báo đột quỵ gồm F (Face) – méo miệng, A (Arm) – yếu liệt tay chân, S (Speech) – rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng và T (Time) – thời gian, cần gọi cấp cứu ngay. Nếu phát hiện một trong các dấu hiệu trên, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Phương Phạm