
Thói quen ngủ vào khoảng giữa trưa và đầu giờ chiều đều có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn – Ảnh: PREVENTION
Theo Prevention, rất nhiều người chọn cách ngủ một giấc ngắn vào buổi trưa để nạp lại năng lượng, tránh mệt mỏi khi về chiều. Tuy nhiên, ngủ trưa cũng cần đúng cách.
Ngủ trưa trên 60 phút hoặc dưới 30 phút: Sẽ rất khác biệt
Nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Sleep đã theo dõi 86.565 người tham gia trên khắp Vương quốc Anh thông qua cơ sở dữ liệu UK Biobank. Độ tuổi của các tình nguyện viên dao động từ 43 đến 79 tuổi, trong đó 57% là nữ và 43% là nam.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá hành vi ngủ trưa của những người tham gia, từ đó phát hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa thói quen này với các vấn đề sức khỏe dài hạn, bao gồm tuổi thọ và tỉ lệ tử vong.
Cụ thể những giấc ngủ trưa kéo dài, có sự biến động cao trong thời lượng ngủ trưa của từng cá nhân, và thói quen ngủ vào khoảng giữa trưa và đầu giờ chiều đều có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn.
Theo tiến sĩ Ashley Curtis – phó giáo sư và giám đốc Phòng thí nghiệm CASH tại Trường Điều dưỡng, Đại học Nam Florida (Mỹ), nghiên cứu cho thấy những giấc ngủ trưa ngắn dưới 30 phút có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe cho người lớn tuổi.
Ngược lại, những giấc ngủ kéo dài trên 60 phút lại có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn.
Vì sao ngủ trưa lại liên quan đến nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe?
Có một số lý do khiến việc ngủ trưa có thể liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn, theo Curtis.
Bà giải thích rằng việc ngủ trưa kéo dài ban ngày có thể là dấu hiệu của chất lượng giấc ngủ ban đêm kém và các rối loạn giấc ngủ, như mất ngủ và chứng ngưng thở khi ngủ. Các vấn đề này “vốn đã được biết là có liên quan đến các kết quả sức khỏe xấu và nguy cơ tử vong tăng, nếu không được điều trị”.
Curtis nhấn mạnh giấc ngủ bị gián đoạn do các rối loạn giấc ngủ này có thể phá vỡ các yếu tố nhịp sinh học và ảnh hưởng đến sự tỉnh táo ban ngày, từ đó khiến người lớn tuổi dễ ngủ gật hơn vào ban ngày.
Bà Curtis bổ sung rằng một số kiểu ngủ trưa ở người lớn tuổi từ lâu đã có liên hệ với tình trạng viêm mãn tính – yếu tố đóng vai trò trong nhiều bệnh lý khác liên quan đến sức khỏe kém và tuổi thọ giảm, chẳng hạn như béo phì, tiểu đường, đột quỵ, cao huyết áp và loãng xương.
“Ít nhất một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở nam giới lớn tuổi, những người ngủ dưới sáu tiếng và ngủ trưa trên 30 phút mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn”, tiến sĩ Curtis giải thích, lưu ý rằng mô hình này không được tìm thấy ở nữ giới.
Ngoài ra bà Curtis cho biết so với phụ nữ lớn tuổi, nam giới lớn tuổi có tỉ lệ đi tiểu đêm nhiều và chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn. Cả hai đều có liên quan đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày nhiều hơn.
“Mối liên hệ giữa việc ngủ trưa và tỉ lệ tử vong là phức tạp và có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lối sống tiêu cực hoặc tích cực, ví dụ như dinh dưỡng, hoạt động thể chất, sử dụng chất kích thích, các kiểu ngủ ban đêm, các rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn, bệnh lý đi kèm, tuổi tác, cũng như các yếu tố liên quan đến giới tính và bản dạng giới”, bà nói thêm.
Cần tăng cường hoạt động thể chất
Curtis trích dẫn các nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ tử vong liên quan đến việc ngủ trưa kéo dài ở người lớn tuổi có thể được giảm thiểu nhờ một số yếu tố lối sống nhất định, chẳng hạn như hoạt động thể chất.
Cụ thể, hoạt động thể chất từ 150 phút ở mức vừa phải hoặc 75 phút ở mức mạnh có thể làm suy yếu mối liên hệ giữa việc ngủ trưa và nguy cơ tử vong.
Những hoạt động thể chất như đi bộ nhanh, chạy bộ, nhảy múa, bơi lội hoặc đi bộ đường dài cũng là những lựa chọn phù hợp cho người lớn tuổi.