
Tàu sân bay Sơn Đông tiến vào cảng Hồng Kông sáng 3.7
ảnh: afp
Được đưa vào hoạt động từ năm 2019, tàu sân bay Sơn Đông với chiều dài hơn 300 m là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng thực thi chiến lược của hải quân nước này dưới thời Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, Bắc Kinh thông báo tàu Sơn Đông cùng các tàu hộ tống, có thể kể đến khu trục hạm Trạm Giang và tàu hộ vệ Vận Thành, đến Đặc khu hành chính Hồng Kông trong 5 ngày và tổ chức các hoạt động tham quan và giao lưu văn hóa với người dân địa phương.
Đội tàu đã được nhìn thấy vào rạng sáng nay (3.7) ở vùng biển ngoài khơi đảo Hồng Kông.
Chuyến thăm của tàu Sơn Đông diễn ra vài ngày sau khi kết thúc hoạt động diễn tập tác chiến ở Tây Thái Bình Dương bên cạnh tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh.

Các tiêm kích trên tàu sân bay Sơn Đông
ảnh: AFP
Cả hai tàu đều dựa trên thiết kế được điều chỉnh từ thời Liên Xô, cụ thể là phần boong theo kiểu “dốc nhảy cầu” đặc trưng cho hoạt động xuất kích máy bay chiến đấu.
Tàu sân bay thứ ba và hiện đại hơn của Trung Quốc là Phúc Kiến hiện trong giai đoạn chạy thử trên biển.
Vé tham quan đội tàu trong thời gian ở cảng Hồng Kông đã hết sạch trong vòng vài phút kể từ khi đăng lên ứng dụng mạng xã hội WeChat.
2 tàu sân bay Trung Quốc ra Thái Bình Dương, lần đầu tiên vượt chuỗi đảo thứ hai
Tàu Sơn Đông là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc từng đến Hồng Kông, theo sau chuyến thăm của tàu Liêu Ninh vào năm 2017.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp năng lực hải quân trong nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương và tạo đối trọng trước liên minh do Mỹ dẫn đầu tại đây.