Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hà (57 tuổi, ở P.Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, bà bị “sốc” khi thấy tiền điện tháng 6 tăng vọt. Theo đó, hóa đơn tiền điện tháng 6 (tính từ 1 – 30.6) của gia đình bà hết hơn 3,3 triệu đồng. Trong khi đó, tiền điện của các tháng 3, 4, 5 của gia đình bà lần lượt là 2,5, 2,4 và 2,9 triệu đồng.

Hóa đơn tiền điện tháng 6 của gia đình bà Nguyễn Thị Hà
ẢNH: KHẮC HIẾU
Theo bà Hà, các thiết bị của gia đình gồm: 2 điều hòa tại phòng ngủ và phòng khách, 2 bình nóng lạnh, 2 tủ lạnh, 1 bếp điện và máy bơm, đèn chiếu sáng… Mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình trong tháng 6 đều bình thường như hàng tháng, không có phát sinh nhu cầu sử dụng cao hơn.
Hơn nữa, thời điểm tháng 6 tại Hà Nội có nhiều ngày mưa giông, thời tiết khá dễ chịu, mát mẻ nên nhu cầu sử dụng điều hòa ít hơn so với tháng 5 nhưng tiền điện tháng 6 bỗng nhiên tăng vọt khiến chị khó hiểu.
“Sau khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 6, gia đình tôi liền kiểm tra lại các thiết bị xem có rò rỉ ở đâu không. Từ tháng này, gia đình chắc sẽ chuyển sang sử dụng bếp gas để đun nấu, không sử dụng bếp điện nữa”, bà Hà cho biết thêm.
Giống với bà Hà, anh Trần Mạnh Cường (33 tuổi, ở xã Ô Diên, Hà Nội) thắc mắc khi hóa đơn tiền điện tháng 6 cao gần gấp đôi dù các thiết bị ở nhà vẫn sử dụng giống với tháng 5 gồm: 2 máy điều hoà, 1 tủ lạnh, 1 bếp điện và các thiết bị khác như máy giặt, máy bơm nước, đèn…

Hóa đơn tiền điện nhà anh Trần Mạnh Cường tháng 6 cao gần gấp đôi tháng 5
ẢNH: TRẦN CƯỜNG
“Ban đầu khi nhận được hóa đơn tiền điện, tôi tưởng đơn vị điện lực tính nhầm bởi vợ chồng tôi đi làm cả ngày, gia đình chỉ thường xuyên sử dụng 1 điều hòa cho con nhỏ. Vậy mà không hiểu vì sao tiền điện tháng 6 lại tăng như vậy”, anh Cường than thở.
Cũng trong ngày 3.7, chị Nguyễn Thị Duyên (28 tuổi, trú P.Tây Mỗ, Hà Nội) đã hỏi nhiều bạn bè, người thân sống ở Hà Nội vì sao hóa đơn tiền điện lại tăng gấp rưỡi so với tháng trước thì được biết nhiều người cũng lâm vào tình trạng nhận được hóa đơn “tiền điện tăng vọt”.
Theo chị Duyên, gia đình chị dùng các thiết bị điện như: 2 điều hòa, 1 bếp điện, 1 tủ lạnh, 1 bình nóng lạnh, 1 máy giặt, quạt, đèn thắp sáng… nhưng tháng 5 chỉ hết 1,5 triệu đồng, đến tháng 6 số tiền là 2,3 triệu đồng.
“Xem hóa đơn tiền điện tháng này tôi ngỡ như trước đây khi ở phòng trọ sinh viên bị chủ nhà trọ thu tiền điện 4.000 đồng/số”, chị Duyên nói và cho hay, từ tháng này sẽ hạn chế dùng điều hòa và chuyển từ bếp điện sang bếp gas để tiết kiệm điện.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ thuộc Công ty Điện lực Hà Đông (Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội), cho biết việc tiền điện tháng 6 tăng vọt so với tháng 5 là điều “hết sức bình thường”.
Nguyên nhân, từ ngày 10.5, mỗi kWh điện tăng 4,8%, lên hơn 2.204,7 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Vị cán bộ này khuyến cáo, điện là nguồn tài nguyên hữu hạn nên khuyến khích mỗi gia đình sử dụng điện một cách hợp lý, hiệu quả. Việc tiết kiệm điện không chỉ giúp giảm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên.