Cách tiếp cận trên được đưa ra thảo luận trong bối cảnh Mỹ vừa thông báo dừng các đơn chuyển giao vũ khí và tên lửa cho Ukraine. Đồng thời, các nước châu Âu đang tìm giải pháp tăng chi tiêu quốc phòng.
Nguồn tin của Politico cho hay chính phủ một số nước châu Âu đang xem xét kế hoạch mua vũ khí Mỹ, sau đó chuyển giao cho Ukraine. Hiện chi tiết đang được thảo luận và phải cần sự đồng ý từ Washington. Hiện chính phủ Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Mỹ ngừng chuyển tên lửa, đạn dược thiết yếu cho Ukraine
Một số nước châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và đang tìm nhiều phương án, trong đó việc mua vũ khí do Mỹ sản xuất cũng được tính đến.
Hãng AP ngày 2.7 dẫn lời giới chức Mỹ cho hay nước này đang tạm dừng một số chuyến hàng tên lửa phòng không và đạn dược khác cho Ukraine, do lo ngại rằng kho dự trữ các loại vũ khí này của nước này đã giảm quá nhiều.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo M119 do Mỹ sản xuất
ẢNH: REUTERS
Ông Trump hồi cuối tháng trước đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO. Có thông tin cho hay cuộc gặp mang lại kết quả tích cực và mở ra khả năng Washington chuyển thêm vũ khí cho Kyiv.
Lượng vũ khí được chuyển cho Ukraine đến nay vẫn nằm trong thỏa thuận hỗ trợ quân sự được Mỹ thông qua hồi năm ngoái. Chính quyền Tổng thống Trump chưa có các thỏa thuận mới về chuyển giao vũ khí cho Ukraine, dù phía Kyiv được cho là đã khẳng định sẵn sàng trả tiền mua thay vì nhận viện trợ.
Việc Lầu Năm Góc dừng chuyển vũ khí cho Ukraine cũng đã khiến nhiều bên bất ngờ, trong đó có các thành viên quốc hội Mỹ và các đối tác châu Âu.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul từ bang Texas nói rằng: “Tôi còn không chắc liệu Ngoại trưởng Marco Rubio có được trao đổi trước về vấn đề này hay không. Hiện đang có sự chia rẽ nội bộ tại Nhà Trắng”. Ngoài ra, hạ nghị sĩ Cộng hòa Brian Fitzpatrick, nằm trong Ủy ban tình báo hạ viện, yêu cầu Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ giải trình quyết định dừng chuyển giao vũ khí, vốn đã được quốc hội phê duyệt trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Joe Biden.
Ở bên kia Đại Tây Dương, các quan chức Liên minh châu Âu và Ukraine cho hay họ chưa được thông báo trước về việc Washington tạm dừng chuyển vũ khí.