Thách thức với Thái Lan giữa biến động chính trị

Thách thức với Thái Lan giữa biến động chính trị

bởi

trong

Những biến động chính trị sau khi Thủ tướng Paetongtarn bị đình chỉ chức vụ có thể khiến nền kinh tế Thái Lan đối mặt với nhiều rủi ro.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ngày 1/7 bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ để điều tra cuộc điện đàm gây tranh cãi của bà với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hồi tháng trước. Trong cuộc điện đàm, bà Paetongtarn đã gọi ông Hun Sen là “chú” và nói rằng Tư lệnh Quân khu 2 Thái Lan là người thuộc “phe đối lập”.

36 thượng nghị sĩ đã đệ kiến nghị lên tòa, cáo buộc bà Paetongtarn vi phạm hiến pháp và các tiêu chuẩn đạo đức vì những nhận xét tiêu cực về Tư lệnh Quân khu 2, cũng như thể hiện thái độ quá nhún nhường trước ông Hun Sen, giữa lúc hai nước đang căng thẳng biên giới.





Thách thức với Thái Lan giữa biến động chính trị

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trong cuộc họp báo tại Bangkok ngày 19/6. Ảnh: AFP

Ông Srettha Thavisin, người tiền nhiệm của bà Paetongtarn, cũng từng bị 40 thượng nghị sĩ Thái Lan đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp, cáo buộc ông vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức khi bổ nhiệm luật sư của gia đình Shinawatra là Pichit Chuenban vào nội các. Tháng 8/2024, ông bị kết tội và bãi nhiệm khi chưa đầy một năm nắm quyền.

Ông Srettha là thủ tướng thứ 4 của Thái Lan trong vòng 16 năm bị bãi nhiệm sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Bà Paetongtarn giờ cũng đối diện nguy cơ đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm nếu tòa ra phán quyết tương tự trong những tháng tới.

Biến động chính trị xảy ra với Thái Lan vào thời điểm tồi tệ nhất với nền kinh tế nước này, theo Harrison Cheng, bình luận viên của CNA.

Hồi giữa tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan từ 2,9% xuống 1,8% trong năm 2025, khi ba động lực tăng trưởng chính của đất nước đều đình trệ.

Đầu tiên là du lịch, ngành lâu nay nhận được nhiều ưu ái từ chính phủ. Du lịch Thái Lan giờ bộc lộ những yếu kém khi phải cạnh tranh ngày càng nhiều với các nước láng giềng trong khu vực.

Khách du lịch Trung Quốc, nhóm đóng góp doanh thu lớn, đã ngần ngại tới Thái Lan khi lo ngại về vấn đề an toàn liên quan tới các hoạt động lừa đảo hoặc xả súng. Tháng 10/2023, vụ xả súng do một thiếu niên 14 tuổi tiến hành tại trung tâm thương mại Siam Paragon ở Bangkok đã khiến ít nhất 3 người chết, trong đó có một du khách Trung Quốc, và một số người bị thương.

Căng thẳng biên giới với Campuchia không gây rủi ro an ninh trực tiếp cho du khách ở Bangkok, Phuket và một số điểm du lịch quen thuộc, nhưng chúng làm gia tăng cảm giác bất an. Xung đột Trung Đông cũng làm gián đoạn nhiều chuyến bay tới Đông Nam Á và đe dọa cắt giảm một lượng khách du lịch đến Thái Lan trong những tháng tới.

Việc phát hiện bom ở Phuket và Krabi gần đây cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ các cuộc nổi dậy ly khai ở miền nam Thái Lan lan rộng, dù có ít dấu hiệu về khả năng này.





Người dân Thái Lan biểu tình ở Bangkok ngày 28/6. Ảnh: AP

Người dân Thái Lan biểu tình phản đối bà Paetongtarn ở Bangkok ngày 28/6. Ảnh: AP

Sức mua trong nước cũng bị kìm hãm bởi mức nợ hộ gia đình của Thái Lan đang ở mức rất cao, chạm ngưỡng 87,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu năm nay, mức cao nhất ở Đông Nam Á.

Năm 2024, các ngân hàng thương mại ở Thái Lan đã siết chặt tiêu chí cho vay đối với người mua ôtô và các khoản vay tiêu dùng khác để giảm thiểu rủi ro, làm suy yếu thêm doanh số bán xe nội địa.

Trong giai đoạn tranh cử năm ngoái, đảng Pheu Thai của bà Paetongtarn đã cam kết sẽ phát 450 tỷ baht (13,6 tỷ USD) cho dân nhằm kích thích kinh tế. Chính phủ Thái Lan đã triển khai chương trình phát tiền giai đoạn đầu tiên hồi tháng 9/2024 dành cho người có thẻ phúc lợi và người khuyết tật, giai đoạn hai vào tháng 1/2024 dành cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, sau khi bà Paetongtarn lên nắm quyền, chính phủ đã phải hoãn giai đoạn ba của chương trình, dự kiến phát tiền cho khoảng 2,7 triệu công dân Thái Lan 16-20 tuổi thông qua ví điện tử. Ngân sách 157 tỷ baht (4,7 tỷ USD) dành cho giai đoạn này sẽ được chuyển hướng sang các biện pháp kích thích kinh tế khác, gồm các dự án về quản lý nước, giao thông, du lịch, hỗ trợ nhà xuất khẩu cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm, phát triển giáo dục và kỹ thuật số.

Quyết định lùi triển khai giai đoạn ba của chương trình phát tiền khiến dư luận Thái Lan thất vọng. Theo khảo sát hồi tháng 5 của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia, khoảng 60% trong số hơn 1.300 người được hỏi ủng hộ tiếp tục chương trình. Trong khi khoảng 46% nói sẽ rất tức giận nếu chương trình bị hủy.

Động lực còn lại của nền kinh tế Thái Lan là xuất khẩu, vốn đang phải chuẩn bị cho những tác động tiềm tàng từ đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/7, thời điểm các cuộc đàm phán thương mại song phương hết hạn.

“Nếu không có thỏa thuận, Thái Lan sẽ phải đối mặt với mức thuế xuất khẩu sang Mỹ lên tới 36%”, Cheng cho hay.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira dự kiến đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer tại Washington trong tuần này. Tuy nhiên, Thái Lan được cho là không nằm trong danh sách các nước được ưu tiên đàm phán với Mỹ, theo Wall Street Journal.

“Do đó, Thái Lan có nguy cơ không đạt được thỏa thuận có lợi trước thời hạn ngày 9/7”, Cheng cảnh báo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent lưu ý Washington có thể gia hạn đàm phán với một số quốc gia, nhưng phải xem liệu Mỹ có dành cơ hội đó cho Thái Lan hay không, theo giới quan sát.





Người biểu tình Thái Lan tại thủ đô Bangkok ngày 28/6. Ảnh: AFP

Người biểu tình Thái Lan tại thủ đô Bangkok ngày 28/6. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh đó, điều các nhà đầu tư nước ngoài cần là sự quản lý mạnh mẽ của chính phủ để duy trì niềm tin của họ đối với thị trường Thái Lan. Theo đó, ổn định chính trị rất quan trọng với Thái Lan.

“Một chính quyền đang đứng bên bờ vực khó có thể đủ khả năng đưa ra những quyết sách chiến lược và dài hạn để khắc phục nền kinh tế”, Cheng nhận định.

Giới quan sát tin rằng Thái Lan cần giải quyết vấn đề chính trị trước khi giải quyết các vấn đề chính sách khác. Điều này cần đến sự thấu hiểu, đoàn kết giữa các đối tác trong liên minh cầm quyền nhằm ưu tiên ổn định chính phủ và ưu tiên duy trì các chính sách thay vì chỉ hướng tới các lợi ích chính trị.

Tuy nhiên, họ không thấy Thái Lan hiện có “giải pháp hiệu quả” nào phía trước giữa biến động hiện nay, khi Tòa án Hiến pháp chưa rõ khi nào sẽ ra phán quyết định đoạt số phận chính trị của bà Paetongtarn.

Thùy Lâm (Theo CNA, Bangkok Post)