Cà phê nông thôn nở rộ ở Trung Quốc

Cà phê nông thôn nở rộ ở Trung Quốc

bởi

trong

Các quán cà phê ở khu vực nông thôn đang trở thành xu hướng tại Trung Quốc, tạo nên làn sóng du lịch mới và dấy lên nỗi lo phát triển thiếu bền vững.

Vài năm trở lại đây, Asa Jin, 37 tuổi, sống tại Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), thường xuyên ghé thăm các quán cà phê vùng ven ngoại ô, nhưng cô hiếm khi quay lại cùng một địa chỉ nhiều lần.

“Tôi đến quán cà phê để check in là chính, rồi lại tìm quán khác”, Asa nói. Cô nhận xét nhiều quán hiện nay chạy theo xu hướng, đầu tư vào khung cảnh để phục vụ nhu cầu chụp ảnh và không để lại dấu ấn cho thực khách sau một lần trải nghiệm. Asa không thiếu lựa chọn, bởi ngày càng có nhiều quán mọc lên tại các vùng nông thôn Trung Quốc, nơi vốn gắn liền với trà và nhịp sống yên ả.

Cơn sốt cà phê đã lan tới các vùng nông thôn, hình thành khái niệm “quán cà phê nông thôn”, một phần trong chiến lược “hồi sinh nông thôn” do chính phủ khởi xướng, nhằm thu hẹp khoảng cách thành thị – nông thôn và thúc đẩy du lịch nội địa.





Cà phê nông thôn nở rộ ở Trung Quốc

Quán cà phê Gelien ở huyện Đức Thanh, Chiết Giang. Ảnh: SCMP

Tại huyện An Cát, Chiết Giang, mô hình quán cà phê Deep Blue đang được nhắc đến như một hình mẫu. Quán hoạt động theo mô hình “hai đầu tư, ba lợi nhuận”, người dân góp đất, nhận cổ tức, tiền thuê và lương từ việc làm tại quán. Nhờ hiệu ứng lan tỏa, An Cát hiện có hơn 300 quán cà phê, nhiều hơn cả Thượng Hải nếu tính theo mật độ dân cư.

Theo một thống kê của truyền thông địa phương, 98% quán cà phê tại tỉnh Chiết Giang có thiết kế lấy thiên nhiên làm chủ đạo. Trên phạm vi cả nước, Trung Quốc đã có hơn 40.000 quán cà phê vùng ven. Tỉnh Vân Nam và Quảng Đông dẫn đầu về số lượng.

Chính sách phát triển du lịch và nông nghiệp đặc thù đang biến những ngôi làng vốn yên ả thành điểm đến hấp dẫn cho giới trẻ thành thị. Đằng sau bức tranh sôi động là không ít thách thức.

Giáo sư Li Ban, Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương, đưa ra cảnh báo về tốc độ mở quán đang vượt xa tốc độ tăng của nhu cầu, khiến lợi nhuận ngành cà phê nông thôn giảm sút đáng kể.

Để trụ vững, các quán buộc phải tạo ra sự khác biệt, không chỉ ở cảnh quan mà còn ở chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng. Tại huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang, quán cà phê Gelien được đánh giá cao nhất trên Dianping – nền tảng đánh giá và đặt chỗ dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch, mua sắm lớn nhất Trung Quốc. Quán thu hút nhờ phong cảnh nhân tạo gợi nhớ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, gần 30% đánh giá chấm điểm thấp vì cà phê không ngon, chỉ có không gian đẹp để chụp ảnh.

Chu Hạo Kiệt, từng bỏ phố về quê, biến chính ngôi nhà của mình thành quán cà phê, cho biết nếu hàng quán không thể biến khách du lịch thành khách quay lại, thì khó gọi là thành công.

Theo giáo sư Li, phát triển du lịch văn hóa nông thôn đang đến giai đoạn bão hòa, các mô hình giống nhau và thiếu bản sắc văn hóa đang trở thành rào cản lớn, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững.

“Các chính sách nên tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh thân thiện, tận dụng văn hóa bản địa để phát triển mô hình du lịch đặc thù, thay vì chạy theo trào lưu ngắn hạn”, ông Li nói.

Mai Phương (Theo SCMP)