‘Cải cách’ người lớn

‘Cải cách’ người lớn

bởi

trong
‘Cải cách’ người lớn

Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác, đôi khi tự hỏi: “Tại sao ngày nay con trẻ phải học nhiều đến vậy, học để con mình thành công hay để con hạnh phúc?”.

Và trong gần ba mươi năm gắn bó với nghề giáo, tôi luôn trăn trở: giáo dục, rốt cuộc, là vì ai và để làm gì?

Những câu hỏi này đều không đơn giản, nhưng càng đào sâu, tôi càng nhận ra câu trả lời không nằm ở lý thuyết cao siêu hay các chính sách giáo dục liên tục đổi mới, mà ở cách người lớn – những ông bố, bà mẹ, thầy cô, và cả xã hội – nhìn nhận và thực hành giáo dục. Tìm ra triết lý giáo dục cho người lớn chính là xác định được la bàn để đi tới mục tiêu cuối cùng của giáo dục.

“Triết lý giáo dục cho người lớn” không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là một mong đợi thức tỉnh. Người lớn – từ giáo viên, phụ huynh, đến những nhà hoạch định chính sách – đều là những kiến trúc sư của hệ thống giáo dục, dù vô tình hay hữu ý. Chính chúng ta với những kỳ vọng, áp lực và giá trị của “người lớn” mà mình đặt ra, đã định hình cách trẻ em học, cách các em sống và cả cách các em nhìn nhận để lựa chọn điều gì làm nên “thành công” hay “hạnh phúc” cho bản thân.

Thật nghịch lý khi trẻ em có lịch học dày đặc hơn cả người lớn đi làm, và điều đó lại được xã hội coi như chuyện bình thường. Đáng sợ hơn những giờ học kéo dài là sự vô cảm của người lớn trước tình trạng kiệt quệ về tinh thần và thể xác của trẻ trong những buổi học triền miên. Chúng ta bận rộn với “cơm áo gạo tiền”, nhưng liệu có thể biện minh cho việc để con trẻ lớn lên trong vòng xoáy thành tích, nơi mà điểm số trở thành thước đo duy nhất?

Khi chỉ quan tâm đến điểm số mà quên mất cảm xúc, nhân cách, hay hạnh phúc của trẻ, người lớn đang vô tình gieo mầm cho một thế hệ biết tuân thủ nhưng thiếu sáng tạo, thích cạnh tranh nhưng không biết đồng cảm. Người lớn luôn thường trực câu hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?” thay vì “Hôm nay con đã làm được điều gì tốt?”.

Người lớn thường trách giới trẻ thiếu kỹ năng sống, thờ ơ, hoặc vô cảm. Nhưng ai đã thiết kế nên những “đường ray” để các em chạy theo? Ai đã cổ vũ cho việc coi trọng thành tích hơn giá trị con người? Dạy để thi là dạy để đối đầu – để vượt qua người khác, để giành lấy vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng, là để ganh đua với đời. Dạy để sống là dạy để đối thoại – đối thoại với chính mình, với người khác, và với thế giới xung quanh. Một đồng nghiệp của tôi từng nói, đại ý: Một học sinh đoạt giải quốc gia có thể khiến cha mẹ tự hào, nhưng một đứa trẻ biết lắng nghe, biết xin lỗi, biết nhường ghế cho người già, hay biết chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, sẽ là người góp phần xây dựng một xã hội tử tế.

Triết lý giáo dục phải chăng cần bắt đầu từ việc “cải cách” người lớn – thay đổi cách nhìn nhận về thành công? Thành công không phải là bảng điểm đỏ chót, không phải là tấm bằng danh giá, mà là khả năng sống một cuộc đời ý nghĩa, biết yêu thương, biết cống hiến, và biết đứng dậy sau những thất bại. Nếu người lớn tiếp tục đo lường trẻ bằng những con số, các em sẽ chỉ học để “lấy điểm” chứ không học để “thành người”. Khi đó, giáo dục sẽ mãi luẩn quẩn trong một vòng tròn sai lệch, nơi mà mục tiêu không phải nuôi dưỡng con người, mà là sản xuất những cỗ máy thi cử.

Đổi mới giáo dục không chỉ nằm ở việc cải cách chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy hay cập nhật sách giáo khoa. Cốt lõi của đổi mới nằm ở sự chuyển biến trong tư duy và hành vi của người lớn – nơi giáo viên, cha mẹ và các nhà hoạch định chính sách phải là những người khởi xướng và tiên phong thực hành những sự thay đổi ấy. Tôi từng chứng kiến những giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn biết lắng nghe những nỗi buồn thầm kín của học trò. Tôi từng gặp những bậc phụ huynh không ép con học thêm, mà dành thời gian dạy con nấu một bữa cơm, sửa một chiếc xe đạp, hay đơn giản là trò chuyện về những giấc mơ của chúng. Đó mới chính là giáo dục – không bắt đầu từ sách vở, mà từ lòng tử tế, sự thấu hiểu, và sự đồng hành đầy trách nhiệm của người lớn.

Người lớn cần học cách buông bỏ những kỳ vọng áp đặt, học cách tôn trọng cá tính riêng của từng đứa trẻ, và học cách nhìn nhận giáo dục như một hành trình nuôi dưỡng tâm hồn, chứ không phải một cuộc đua thành tích. Một đứa trẻ hạnh phúc, tự tin và biết yêu thương sẽ mang lại giá trị cho xã hội nhiều hơn một đứa trẻ chỉ biết đạt điểm cao nhưng trống rỗng về cảm xúc.

Đi tìm triết lý giáo dục cho người lớn, rốt cuộc, là để trả lời một câu hỏi cốt lõi: Chúng ta muốn con trẻ lớn lên để trở thành ai? Là những cỗ máy thi cử, hay những con người tử tế, sáng tạo, và đầy trách nhiệm? Nếu câu trả lời còn mơ hồ, thì chính người lớn chúng ta cần phải học lại – học cách lắng nghe, học cách đồng hành, và học cách buông bỏ những định kiến cũ kỹ về thành công.

Giáo dục không phải là việc của riêng trẻ em. Giáo dục là lãnh địa của người lớn – nơi chúng ta phải đối diện với chính mình, với những lựa chọn và giá trị mà mình truyền tải. Một triết lý giáo dục đúng đắn không chỉ giúp trẻ em trưởng thành, mà còn giúp người lớn hoàn thiện bản thân, trở thành những tấm gương về lòng nhân ái, sự tỉnh thức và tinh thần trách nhiệm.

Giáo dục có lẽ nên trở thành một hành trình của sự đồng hành, nơi người lớn và trẻ em cùng nhau học cách sống, cách yêu thương và cách làm người. Vì cuối cùng, giáo dục không chỉ là định hướng cho thế hệ trẻ, mà là lời cam kết của người lớn với chính tương lai của nhân loại.

Trương Đình Thăng