Lưới phòng không Ukraine đối mặt nguy cơ cạn tên lửa, không thể đối phó các đòn tập kích của Nga sau khi Mỹ quyết định ngừng viện trợ.
Nhà Trắng hôm 1/7 thông báo đình chỉ chuyển giao cho Ukraine một số vũ khí quan trọng vốn được cam kết trước đó, do các báo cáo từ Lầu Năm Góc cho thấy kho dự trữ của quân đội Mỹ đã suy giảm quá sâu. Bộ Quốc phòng Mỹ đến nay vẫn chưa công bố những khí tài nào trong diện ngừng viện trợ.
Hai quan chức Mỹ giấu tên sau đó nói rằng Lầu Năm Góc đã thu hồi nhiều lô vũ khí quan trọng, dù chúng đang nằm tại đầu mối trung chuyển ở Ba Lan và sẵn sàng chuyển tới Ukraine. Tờ Economist hôm 3/7 cho biết hoạt động viện trợ quân sự của Washington cho Kiev gần như đã ngừng hoàn toàn.
Các nguồn tin am hiểu tình hình tiết lộ những khí tài bị ngừng viện trợ có tên lửa PAC-3 MSE hiện đại nhất của tổ hợp Patriot, tên lửa đối không tầm trung AIM-7 và tầm ngắn AIM-9M, tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger, nhiều vũ khí được sử dụng trên tiêm kích F-16, đạn dẫn đường của pháo phản lực HIMARS, tên lửa chống tăng Hellfire và thiết bị bay không người lái.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng cạnh bệ phóng Patriot tại căn cứ ở Đức hồi tháng 6/2024. Ảnh: AFP
“Quyết định cắt giảm nguồn cung tên lửa cho tổ hợp Patriot sẽ khiến lưới phòng không Ukraine suy yếu, dẫn đến nhiều hạ tầng bị phá hủy và thương vong lớn”, Oleksii, phó chỉ huy phụ trách các tổ phòng không di động tại tỉnh Kiev, cho biết.
Lưới phòng không Ukraine hiện tại gồm các tổ hợp từ thời Liên Xô và những hệ thống do phương Tây viện trợ. Quân đội Ukraine không còn nhiều tên lửa cho các tổ hợp phòng không thời Liên Xô, do dây chuyền sản xuất đều nằm tại Nga, trong khi vũ khí hệ NATO cũng thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm đạn dược vì tốc độ sản xuất chậm.
Ở tầm xa, Patriot được đánh giá là hệ thống phòng không tốt nhất mà Ukraine sở hữu. Đây từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ trước đó.
Tuy nhiên, tỷ lệ đánh chặn của Patriot ngày càng suy giảm do tình trạng cạn kiệt tên lửa, trong khi nhiều khẩu đội cũng bị Nga tập kích và phá hủy.
Truyền thông Ukraine cho rằng nguyên nhân là dòng vật tư quân sự từ Mỹ chậm đi đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là vũ khí phòng không. Chính phủ Mỹ kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất và chuyển giao các khí tài trong hệ thống Patriot, khiến Ukraine không thể tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các nước châu Âu.
Phòng không Ukraine vẫn còn những tổ hợp chuyên đối phó tên lửa đạn đạo gồm SAMP/T do liên doanh của Pháp – Italy sản xuất và S-300V từ thời Liên Xô. Dù vậy, nguồn dự trữ tên lửa hạn chế khiến S-300V Ukraine hiếm khi tham chiến, trong khi SAMP/T gặp quá nhiều vấn đề kỹ thuật và dường như không còn tên lửa để sử dụng từ nhiều tháng nay.
Tom Karako, chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cảnh báo rằng mất nguồn viện trợ tên lửa Patriot sẽ khiến Ukraine bất lực trước các cuộc tập kích bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm của Nga. “Phòng không có thể không giúp bạn thắng cuộc chiến, nhưng bạn sẽ nhanh chóng thua cuộc nếu thiếu phòng không”, ông nói.
Ukraine đang vận hành các tổ hợp phòng không tầm trung gồm IRIS-T SLM, NASAMS, MIM-23 Hawk của phương Tây, cùng Buk-M1 và S-125 từ thời Liên Xô.

Bệ NASAMS phóng tên lửa. Ảnh: Kongsberg
Nước này tiếp nhận một số tổ hợp S-125 Newa-SC do Ba Lan cung cấp hồi cuối năm 2022, nhưng chúng không xuất hiện kể từ đó. Ít nhất một trận địa S-125 ở tỉnh Sumy đã bị Nga phá hủy hồi tháng 8/2024.
MIM-23 Hawk là hệ thống do Mỹ phát triển và chế tạo, trong khi NASAMS là dự án hợp tác giữa Mỹ với Na Uy nhằm sử dụng tên lửa đối không tầm trung AIM-120 do Washington cung cấp. Hệ thống IRIS-T SLM không sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất, nhưng nguồn đạn cũng rất giới hạn.
Trang tin quân sự Defense Express của Ukraine khẳng định kho dự trữ tên lửa 9M38 cho Buk-M1 đã cạn kiệt và nước này không có khả năng sản xuất. Điều đó buộc Kiev theo đuổi dự án lắp tên lửa RIM-7 của Washington lên xe chở đạn kiêm bệ phóng thuộc hệ thống Buk-M1, tạo thành tổ hợp tên lửa phòng không “Quái vật Frankenstein”, hay còn gọi là FrankenSAM.
Ukraine vẫn sở hữu lượng lớn vũ khí phòng không tầm ngắn, trong đó có các hệ thống vác vai do Anh, Ba Lan, Pháp, Thụy Điển, Mỹ và Liên Xô chế tạo. Tuy nhiên, chúng chỉ dành cho nhiệm vụ phòng thủ cục bộ tại những địa điểm cụ thể, không đủ sức bao trùm khu vực địa lý rộng lớn.
Khả năng tác chiến của phi đội F-16 Ukraine cũng có thể chịu tác động, khi chúng sử dụng nhiều loại vũ khí như tên lửa đối không tầm trung AIM-120B/C và tầm ngắn AIM-9M/X cho nhiệm vụ phòng không, cũng như bom dẫn đường JDAM và tên lửa diệt radar AGM-88 HARM khi tấn công mục tiêu mặt đất.
Quyết định hoãn chuyển vũ khí được Washington đưa ra sau khi quân đội Mỹ sử dụng lượng lớn tên lửa phòng không để đối phó các vụ tập kích tên lửa của Iran trong 12 ngày xung đột với Israel, cũng như những lần nhóm vũ trang Houthi tấn công chiến hạm Mỹ trên Biển Đỏ.

Xe phóng Buk-M1 của Ukraine lắp tên lửa RIM-7 Mỹ. Ảnh: BQP Ukraine
Biên tập viên Howard Altman và Tyler Rogoway của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định tốc độ tiêu hao tên lửa của Mỹ thời gian qua đã vượt xa năng lực chế tạo. Chuyển giao những hệ thống niêm cất cho Ukraine không phải phương án khả thi, vì sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch dự phòng mà Washington chuẩn bị để đối phó tình trạng cạn kho đạn trong trường hợp xung đột kéo dài.
“Đánh giá thấp nhu cầu dự trữ, năng lực sản xuất hạn chế, khó nâng sản lượng trong thời gian ngắn và nhiều linh kiện độc nhất khiến Mỹ sẽ mất nhiều thời gian để bổ sung kho dự trữ”, hai biên tập viên nêu quan điểm.
Ngược lại, Nga gần đây liên tục tăng số lượng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trong các cuộc tập kích, khiến phòng không Ukraine bị rối loạn và quá tải.
“Ukraine đã tiết kiệm tên lửa phòng không đắt tiền, ứng dụng những phương pháp mới để đối phó UAV và tên lửa hành trình Nga. Tuy nhiên, cuộc đấu giữa phòng không Ukraine và các trận tập kích của Nga đơn thuần chỉ là cuộc đua về con số, nơi mà Moskva sẽ ngày càng có khả năng chiến thắng”, Rogoway cảnh báo.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AP, AFP)