Chương trình mới mà học vẫn nếp cũ

Chương trình mới mà học vẫn nếp cũ

bởi

trong

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025, năm đầu học sinh (HS) 12 học theo sách giáo khoa mới, nhưng lấy thước đo là yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018 liệu có quá nóng vội? Vòng đời chương trình phổ thông khoảng từ 10 đến 12 năm, yêu cầu cần đạt theo lộ trình, phù hợp với tình hình đội ngũ giáo viên (GV), cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, công tác quản trị trường học… Tuy nhiên, thực tế còn khác xa với mong muốn.

GV chưa thật sự hiểu chương trình GDPT 2018, chưa đầu tư tâm sức cho soạn bài, lên lớp, kiểm tra và có thể do một bộ phận thầy cô nặng dạy thêm với “chằng chịt” động cơ. Hệ quả là, chương trình mới mà HS vẫn nếp cũ, ghi bài học, bài tập mẫu, nhớ và trả bài. Học cứ “lối cũ ta về” thì khi gặp đề thi mới, “tắc” là tất yếu!

Phương pháp dạy học mà người thầy dẫn dắt HS hiện nay vẫn chủ yếu bằng phỏng đoán, trải nghiệm, luyện thi trúng, điểm cao… Điều này mâu thuẫn với yêu cầu của chương trình mới, sách giáo khoa mới.

Chương trình mới mà học vẫn nếp cũ

Học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là lứa học sinh đầu tiên hoàn tất chương trình giáo dục mới cấp THPT

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Quán tính của GV đối với chương trình GDPT 2006 còn lớn nên GV soạn giảng, lên lớp, kiểm tra trộn lẫn chủ quan giữa hai chương trình cũ (2006) và mới (2018). Đáng lo hơn, từ ban giám hiệu, GV, HS, phụ huynh đều bị “ru” bởi điểm số 9, 10; tổng kết năm học với những con số đẹp về HS giỏi, HS xuất sắc.

Do đó khi đề thi đòi hỏi khả năng hiểu, vận dụng mà việc dạy và học vẫn như cũ thì trò khóc sau kỳ thi tốt nghiệp THPT có lỗi không hề nhỏ của không ít thầy cô, cán bộ quản lý các nhà trường và cả phụ huynh.

Sau kỳ thi, có những việc hệ trọng cần phải làm đối với ngành giáo dục hiện nay như: đánh giá độ khó đề thi toán, tiếng Anh; kết quả thực hiện triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GDPT; tác động đề thi tốt nghiệp THPT đến mỗi nhóm đối tượng HS; định hướng kỳ thi này cho những năm tiếp sau.

Việc này đòi hỏi sự nghiêm cẩn, chính xác, trung thực, lấy lợi ích của người học làm ưu tiên, lấy mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực làm cốt lõi, lấy sự đắc nhân tâm làm động lực, lấy sự công tâm làm thước đo đạo đức nhà giáo.

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, mong lắm sự thay đổi tích cực để giáo dục kịp bước cùng với cả nước trong hành trình đổi mới.