Theo thông báo ngày 30.6.2025 của TAND thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), phiên tòa xét xử sơ thẩm lại lần 3 đối với 6 cựu chiến binh về tội hủy hoại rừng (với khung hình phạt lên đến 5 năm tù) sẽ diễn ra vào ngày 4.7.2025.
Tuy nhiên, từ ngày 1.7.2025, không còn TAND thành phố Gia Nghĩa; do đó TAND khu vực 6 – tỉnh Lâm Đồng sẽ là cơ quan xét xử vụ án này.
Chờ đợi hồi kết vụ án 6 cựu chiến binh ra tù vẫn kêu oan
Đây là vụ án được dư luận quan tâm bởi 6 cựu chiến binh này đã từng bị kết án, thậm chí đã thi hành án, đã trở về với cuộc sống bình thường nhiều năm qua. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục kêu oan vì khẳng định rằng mình không phá rừng.
Ngày 3.7, trước ngày xét xử lại vụ án, 6 cựu chiến binh đã già yếu hơn nhiều so với trước đây. Nếu như trước đó, họ còn đủ sức để lội bộ vào hiện trường thì nay mới đi được một đọan ngắn là nhiều người trong số họ phải thở dốc, cùng dìu nhau bước đi.
Khi được hỏi đã chấp hành án tù xong rồi, tại sao không để vụ án khép lại để ổn định lại cuộc sống, cựu chiến binh Vũ Tất Đắc, 72 tuổi, người hom hem, yếu ớt nói: “Chúng tôi không cho rằng mình có tội. Vì thực tế thời điểm đó không còn rừng, thì không thể nói chúng tôi hủy hoại rừng được. Chúng tôi tin vào công lý”.
Còn cựu chiến binh Hoàng Văn Sằn, 68 tuổi, mong mỏi trông chờ vào phiên tòa hôm nay: “Tôi hy vọng chúng tôi sẽ được minh oan, để vụ án sớm khép lại. 10 năm rồi, chúng tôi đã kiệt quệ sức lực. Trường hợp nếu vẫn bị tòa kết tội, chúng tôi sẽ tiếp tục đi kêu oan, không bỏ cuộc”.

6 cựu chiến binh gồm các ông: Đỗ Mạnh Hùng (63 tuổi), Ngân Xuân Dũng (65 tuổi), Vũ Tất Đắc (72 tuổi), Hoàng Văn Sằn (68 tuổi), Nguyễn Nam Thái (58 tuổi) và Cao Minh Điến (57 tuổi, cùng ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cũ). Ngoài ra, vụ án còn có cựu chiến binh Đoàn Xuân Trường nhưng đã qua đời.
ẢNH: NGUYỄN ANH – NGÂN NGA
Trao đổi về vụ án, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Theo văn bản vào tháng 3.2015 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông thì rừng bị thiệt hại 100%. Như vậy, cơ sở nào để xác định trong 2 ngày của tháng 4.2015, các bị cáo tiếp tục phá rừng? Do đó theo tôi, các cơ quan tố tụng phải làm rõ vấn đề này”, luật sư Nghiêm nói.
Theo kết luận giám định tháng 4.2015 của giám định viên tư pháp Huỳnh Văn Triệu, rừng bị hủy hoại 0,98 ha, là rừng sản xuất, thiệt hại hơn 53 triệu đồng. Do đó, 6 cựu chiến binh nói trên bị truy tố tội hủy hoại rừng.
Một trong những lý do cấp giám đốc thẩm hủy án vì cho rằng, kết luận giám định tháng 4.2015 và tháng 7.2016 đều do ông Huỳnh Văn Triệu ký với tư cách giám định viên tư pháp. Việc giám định lại diện tích rừng bị thiệt hại do cùng một người ký là trái với điều 34 luật Giám định tư pháp 2013.
Luật sư Nghiêm cho rằng, tại điểm b khoản 1 điều 34 luật giám định tư pháp 2013 quy định các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp đó là được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án vụ việc mà mình đã thực hiện giám định.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
ẢNH: NGUYỄN ANH
Việc giám định thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn cần thiết phải giám định tập thể theo quy định tại khoản 3 điều 28 luật giám định tư pháp 2013, và việc xác định diện tích rừng bị hủy hoại phải được giám định viên có chuyên môn giám định mới có giá trị pháp lý.
Ngoài ra, kết luận giám định năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kết luận: không thể giám định được ranh giới, diện tích rừng, trạng thái rừng bị thiệt hại; không xác định được giá trị rừng bị thiệt hại.
“Kết luận giám định tháng 4.2015 của giám định viên tư pháp Huỳnh Văn Triệu nếu như không đáp ứng được luật Giám định tư pháp 2013 như tôi đã phân tích ở trên, thì theo tôi khó có thể kết tội các bị cáo phạm tội hủy hoại rừng”, luật sư Nghiêm nhấn mạnh.