Vắc xin MenACYW do hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) sản xuất từ nhà máy tại Mỹ. Sau hơn 50 năm nghiên cứu phát triển các thế hệ vắc xin phòng não mô cầu khuẩn, Sanofi đã thành công với công nghệ cộng hợp đột phá để tạo ra vắc xin phòng não mô cầu thế hệ mới.
Vắc xin này giúp phòng ngừa 4 nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến là A, C, Y, W-135 gây ra các bệnh nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, đặc biệt có thể gây tình trạng nhiễm khuẩn tối cấp khiến trẻ em và người lớn có thể tử vong chỉ sau vài giờ đồng hồ.
Điều đặc biệt, vắc xin MenACYW được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn không giới hạn độ tuổi, dự kiến sẽ mở rộng cho trẻ từ 6 tuần tuổi trong thời gian tới.

Hệ thống Tiêm chủng VNVC công bố ra mắt và triển khai tiêm vắc xin não mô cầu thế hệ mới tại gần 230 trung tâm trên toàn quốc sáng 4.7
Ảnh: Mộc Thảo
Theo thống kê, có đến 50% người bệnh mắc não mô cầu sẽ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong đó, nhiễm trùng huyết do não mô cầu có thể gây tử vong rất nhanh, chỉ trong vòng 6 đến 8 giờ nếu không xử trí kịp thời. Trong số ít bệnh nhân sống sót, 10-20% phải đối mặt với các di chứng nặng nề như mất thính lực, mù lòa, đoạn chi, rối loạn thần kinh, đặc biệt trẻ sơ sinh có tỷ lệ di chứng lên tới 50%.
Theo dữ liệu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh, gần 90% trẻ em và thanh thiếu niên tử vong do bệnh não mô cầu xâm lấn xảy ra trong vòng 24 giờ kể từ khi chẩn đoán.
Tại Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận hàng chục ca mắc, trong đó có 2 ca tử vong do não mô cầu. Tháng 6.2025, Viện Pasteur TP.HCM đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch não mô cầu tại khu vực phía Nam.
Trong khi đó, vi khuẩn não thường trú ở vùng hầu họng của con người, dễ lây qua đường hô hấp. Theo Bộ Y tế, có từ 5-25% người trong cộng đồng là “người lành mang trùng”, không có triệu chứng nhưng vẫn phát tán mầm bệnh, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch. Tại các môi trường đông người như trường học, ký túc xá, doanh trại quân đội, khu công nghiệp…, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Bệnh thường khởi phát âm thầm với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau họng… dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thông thường, dẫn đến điều trị muộn và bỏ qua “giai đoạn vàng” điều trị. Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho thấy, hầu hết các ca não mô cầu nhập viện sau 19 giờ phát bệnh, tương đối muộn để can thiệp y tế nên dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Nhiều ca dù được cứu sống nhưng phải đoạn chi, khiến bệnh nhân tàn tật suốt đời, ảnh hưởng tương lai lâu dài.
Vắc xin não mô cầu thế hệ mới MenACYW ứng dụng công nghệ đột phá, sử dụng protein cộng hợp từ giải độc tố uốn ván (TT) có cấu trúc liên kết phân tử hiện đại, giúp kích thích đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ và bền vững, đồng thời giảm tỷ lệ người lành mang trùng, góp phần cắt đứt chuỗi lây truyền trong cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Báu (30 tuổi, TP.HCM) đưa con gái 15 tháng tuổi tiêm vắc xin não mô cầu thế hệ mới khi vừa ra mắt tại Hệ thống Tiêm chủng VNVC sáng 4.7
Ảnh: Mộc Thảo
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, nhận định trước nguy cơ các loại virus, vi khuẩn dễ dàng lan rộng trong bối cảnh giao lưu kinh tế, xã hội và du lịch toàn cầu ngày càng gia tăng, việc các nhà sản xuất vắc xin như Sanofi nghiên cứu phát triển các loại vắc xin não mô cầu mở rộng phổ bảo vệ, tăng hiệu quả, an toàn hơn và phù hợp với mọi lứa tuổi.
“Đây là thành tựu lớn của công nghệ y tế, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả”, bác sĩ Bạch Thị Chính chia sẻ.
Phát biểu tại lễ ra mắt, bác sĩ Kuharaj Mahenthiran, Giám đốc Y khoa Vắc Xin Sanofi Việt Nam, cho biết vắc xin não mô cầu thế hệ mới MenACYW đã được phê duyệt tại hơn 70 quốc gia và triển khai tiêm chủng tại gần 40 quốc gia kể từ năm 2021.
“Với chỉ định độ tuổi rộng và nền tảng nghiên cứu vững chắc, vắc xin này sẽ đóng vai trò then chốt, là bước tiến lớn trong việc bảo vệ người dân Việt Nam khỏi bệnh do não mô cầu”, bác sĩ Kuharaj Mahenthiran kỳ vọng.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, các vắc xin não mô cầu không có miễn dịch chéo, do đó người dân nên tiêm phối hợp các loại vắc xin để phòng đầy đủ cả 5 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh. Tùy theo lịch sử tiêm chủng, tình hình dịch tễ, độ tuổi và nhu cầu…, bác sĩ sẽ chỉ định loại vắc xin và lịch tiêm phù hợp để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu nhất.
Với việc triển khai tiêm vắc xin não mô cầu thế hệ mới MenACYW cùng các vắc xin não mô cầu nhóm B, BC và ACYW, giúp người dân phòng ngừa toàn diện 5 nhóm huyết thanh phổ biến A, B, C, Y, W-135, hướng tới bảo vệ mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người cao tuổi.
“Việc liên tiếp cập nhật các vắc xin thế hệ mới chất lượng cao, an toàn và hiệu quả khẳng định cam kết của VNVC trong nỗ lực đưa người dân Việt Nam tiếp cận các giải pháp y học tiên tiến ngang tầm quốc tế. Đây là hành động thiết thực hướng tới mục tiêu của WHO đến năm 2030 nhằm giảm 70% số ca tử vong và 50% số ca mắc bệnh viêm màng não do vi khuẩn”, bác sĩ Chính nhấn mạnh.