Sau sáp nhập, 1% GRDP tăng thêm tương đương hơn 17.200 tỷ đồng, nên đạt được mức tăng trưởng này là thách thức rất lớn với TP HCM, theo cơ quan thống kê thành phố.
“Quy mô càng lớn, việc tăng 1% càng gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Thống kê TP HCM nói tại hội nghị kinh tế – xã hội thành phố sáng 4/7, được trực tuyến về 168 xã, phường, đặc khu của thành phố. Đây là cuộc họp đầu tiên của chính quyền thành phố sau khi TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu hợp nhất theo Nghị quyết của Quốc hội.
Phân tích chỉ tiêu tăng trưởng của TP HCM mới, lãnh đạo Chi cục Thống kê cho hay nếu theo chỉ tiêu Chính phủ giao các địa phương trước sáp nhập, TP HCM (cũ) tăng 8,5%, Bình Dương tăng 10% và Bà Rịa – Vũng Tàu (không tính dầu thô) tăng 10%. Bình quân ba địa phương gộp lại là 8,92%. Trong khi đó, 6 tháng đầu, con số này của TP HCM sau sáp nhập chỉ đạt 7,49%.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Thống kê TP HCM. Ảnh: An Phương
Do đó, để đạt con số Thủ tướng giao, 6 tháng cuối năm phải tăng 10,25%. Còn nếu tính theo nghị quyết HĐND cũ của ba tỉnh, mục tiêu cả năm là 10,04%, thì nửa cuối năm phải tăng 12,41%.
Theo ông Hoàng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định, chính sách thuế của Mỹ và các biến động địa chính trị là những yếu tố gây áp lực lớn. Một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do lãi suất cao, lạm phát kéo dài.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TP HCM, đồng tình để đạt mục tiêu tăng trưởng, thành phố gặp nhiều thách thức lớn, con số tăng trưởng khó đoán định vì có nhiều yếu tố bất định.
Ông Vũ ví dụ, vừa qua, thông tin đàm phán thuế quan của Việt Nam và Mỹ có nhiều dấu hiệu tích cực hơn nhưng phải cần thêm các thông tin chi tiết và cụ thể để đánh giá. Muốn đánh giá được tác động phải tùy thuộc vào thuế đối ứng của Mỹ với các nước có cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc.

Khu trung tâm TP HCM, đoạn công trường Mê Linh. Ảnh: Quỳnh Trần
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được cho biết 6 tháng qua, thành phố vừa sắp xếp bộ máy hành chính, vừa triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế theo kịch bản của Chính phủ.
Một số điểm sáng như tổ chức hai đại lễ, gỡ vướng 70 dự án, khơi thông hơn 400.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội, thu hút hơn 5,2 tỷ USD vốn FDI, thu ngân sách ước đạt 415.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông các con số này mới chỉ là “phép cộng” sau khi sáp nhập ba địa phương lại với nhau. Sắp tới phải biến các mục tiêu, lợi thế của thành phố mới thành phép nhân.
“Tất cả đã về chung nhà, đừng phân biệt anh, tôi mà cần xóa bỏ ranh hành chánh tồn tại trong đầu mình để phát triển”, ông Được nói và đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM tham mưu kịch bản tăng trưởng với mức thấp là 8-8,5% và cao là trên 10%, cụ thể mỗi quý, trách nhiệm của từng sở ngành để giao nhiệm vụ cụ thể.
Theo lãnh đạo thành phố, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ngoài 168 trung tâm phục vụ hành chính công ở xã, phường, đặc khu, TP HCM sẽ lập 38 chi nhánh tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, đặc tại trụ sở của các quận, huyện, thành phố cũ của ba tỉnh cũ.
Người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng yêu cầu các đơn vị phải nhận thức rõ việc chuyển mô hình quản lý từ kiểm soát sang phục vụ, quản lý theo hiệu quả. “Đừng nghĩ dân xin – mình cho mà là họ đặt hàng, đề nghị mình làm”, Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Lê Tuyết